Thái Nguyên: Địa phương dẫn đầu về thực hiện Quyền trẻ em

15:45, 31/05/2017

Những năm gần đây, Thái Nguyên liên tiếp là địa phương trong tốp dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em (năm 2012 xếp thứ 3; năm 2013 xếp thức 4; năm 2014 xếp thứ 2 và năm 2015 xếp thứ 3). Kết quả này cho thấy những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Theo thống kê, năm 2016, toàn tỉnh có 290 nghìn trẻ em, trong đó có gần 2,7 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; gần 500 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; gần 2,3 nghìn trẻ em khuyết tật; trên 32,3 nghìn trẻ em sống trong gia đình hộ nghèo cần được chăm sóc, hỗ trợ.

 

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các huyện, thành, thị gắn thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

ông tác tuyên truyền Luật Trẻ em, quyền trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ em, chăm sóc bảo vệ, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em... được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho chính trẻ em về phòng tránh các tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích đồng thời huy động được sức mạnh của cả cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động trợ giúp, bảo vệ trẻ em, giảm thiểu các nguy cơ  gây tổn hại đến trẻ em. Việc chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sát, nhiều trẻ em không may mắc các bệnh tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch hay các bệnh tật hiểm nghèo khác được tài trợ khám, chữa bệnh bằng nguồn vốn của Quỹ Bảo trợ trẻ em và các nguồn xã hội hóa khác.

 

Từ việc chủ động xây dựng, thực hiện các văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nên trẻ em trong toàn tỉnh ngày càng được chăm lo toàn diện về sức khỏe, học tập; được bảo vệ và đảm bảo an toàn; được tham gia vào các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em... Chất lượng, hiệu quả các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ngừng được nâng lên, các trường hợp trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích được hạn chế ở mức thấp nhất. Với những trẻ em là nạn nhân của bạo hành, nạn nhân bị lạm dụng tình dục, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cũng đã được hỗ trợ can thiệp kịp thời giúp các em ổn định cuộc sống, ổn định tâm lý và hòa nhập với cộng đồng.

 

Trung tâm Công tác xã hội là đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ cung cấp, kết nối và điều phối dịch vụ xã hội trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng khó khăn, yếu thế trong xã hội trong đó có trẻ em. Từ khi thành lập năm 2011, đơn vị đã tư vấn, kết nối dịch vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp hàng nghìn lượt trẻ em bị bạo hành, xâm hại hoặc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV…  Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Thơm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội cho biết: Tỷ lệ trẻ em được trợ giúp qua trung tâm chiếm phần lớn trong tổng số lượt người được trợ giúp. Ngoài những hoạt động tư vấn, tham vấn, kết nối dịch vụ, cung cấp thông tin, chúng tôi đã tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh và phổ biến quyền trẻ em, các văn bản liên quan đến quyền trẻ em tại các trường THCS trên địa bàn T.P Thái Nguyên và một số huyện trọng điểm. Đặc biệt, Trung tâm đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho 3,5 nghìn trường hợp, hỗ trợ khẩn cấp cho 115 trường hợp nạn nhân bị bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, người có hoàn cảnh đặc biệt trong đó, trẻ em chiếm tỷ lệ khá lớn.

 

Chị Hà Thị N., xã Bàn Đạt (Phú Bình) là một trong những phụ nữ bị bạo hành gia đình được hỗ trợ khẩn cấp từ Trung tâm Công tác xã hội cho biết: Nếu không có sự trợ giúp của Trung tâm Công tác xã hội chắc tôi không thể có cuộc sống như vây giờ. Chị kể, từ gần 10 năm nay, chị và con gái Nguyễn Bích H. thường xuyên bị chồng bạo hành. Chồng chị N. do buồn chán do không có con trai nối dõi đã thường xuyên uống rượu và đánh đập mẹ con chị. Chính quyền địa phương đã nhiều lần đến can thiệp, hỗ trợ không thành công. Cuối năm 2016, không chịu nổi những trận đòn của bố, cháu H. đã gọi đến Trung tâm Công tác xã hội để yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp. Ngay sau đó, các anh chị ở Trung tâm đã đến gia đình tôi cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ mẹ con tôi tạm thời đến sống tại nhà tạm lánh đồng thời kiên trì thuyết phục, phân tích cho chồng tôi suốt nhiều tháng. Đến nay, chồng tôi đã hiểu ra hành động sai trái của mình và đón vợ con về sum họp. Không những vậy, các anh chị ở Trung tâm còn hỗ trợ tôi tìm được việc làm phù hợp để có điều kiện đỡ đần chồng và cho con được học hành đầy đủ.

 

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, kết quả công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em toàn tỉnh những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Kết thúc năm 2016, toàn tỉnh có 89,5% tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm, chăm sóc; 90% số xã phường, thị trấn trong toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; trên 90% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp. Các đơn vị, cá nhân cũng đã dành trên 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để thực hiện các hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Riêng những tháng đầu năm 2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 753 trẻ em nghi mắc bệnh tim bẩm sinh; tổ chức đưa 30 trẻ em bị sứt môi - hở hàm ếch đi khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Nam - Cuba; tham mưu với UBND tỉnh tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 và trao học bổng cấp tỉnh cho 120 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi suất trị giá 800 nghìn đồng.

 

Bên cạnh đó, các mô hình bảo vệ trẻ em tại cộng đồng như: Hệ thống Bảo vệ trẻ em, Kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS cũng phát huy tốt hiệu quả, những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được nắm bắt kịp thời ngay tại cơ sở và được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, những năm gần đây, Thái Nguyên liên tiếp là địa phương trong tốp dẫn đầu cả nước trên bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em. Năm 2012, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lần đầu công bố Bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em, Thái Nguyên vinh dự được xếp thứ 3 sau Long An và T.P Hồ Chí Minh. Tiếp theo, năm 2013, Thái Nguyên xếp thứ 4, năm 2014 xếp thứ 2 và 2015 xếp thứ 3 toàn quốc về thực hiện quyền trẻ em.

 

Nhận định về những kết quả này, bà Trịnh Thị Nguyệt, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng kết quả này ghi nhận, tôn vinh và động viên nỗ lực của các ngành, các cấp và các địa phương toàn tỉnh trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, theo bà Nguyệt rất cần sự tham gia mạnh mẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh đóng góp bằng những hành động thiết thực để chăm sóc, giúp đỡ trẻ em. Ngành cũng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thành, thị, các tổ chức, đơn vị, nhà trường tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình hành động Vì trẻ em tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2012-2020; tổ chức tốt các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trong Tháng hành động vì trẻ em phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương, đơn vị.