Bảo hiểm y tế: Phao cứu sinh của người bệnh

10:38, 29/06/2017

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội quan trọng, nhằm đạt được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh. BHYT còn tạo điều kiện để các cơ sở y tế cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế thuận lợi, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Vừa trở về nhà sau đợt điều trị dài ngày ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, sức khỏe của bà Phạm Thị Duyên, tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ T.P Thái Nguyên đã khá hơn trước rất nhiều. Bà kể: Trước đây, tôi thường bị những cơn đau xương khớp hành hạ, khiến cuộc sống sinh hoạt bị ảnh hưởng. Sau khi nhập viện, làm các dịch vụ xét nghiệm, tôi được chẩn đoán bị thoái hóa và loãng xương. Để điều trị, các bác sĩ đã truyền chế phẩm chống loãng xương cho tôi. Hơn 1 tuần điều trị nội trú, làm các dịch vụ xét nghiệm cộng với truyền dịch, thuốc men, nếu không có BHYT, tôi phải trả khoảng 10 triệu đồng. Nhưng nhờ có thẻ BHYT, tôi chỉ phải thanh toán 20% số tiền, tương ứng gần 2 triệu đồng.

 

Tương tự, anh Hoàng Thanh Tùng, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) bị viêm loét dạ dày lâu năm cũng được hưởng lợi từ việc tham gia BHYT. Cụ thể, mỗi lần đi khám, nội soi dạ dày và uống thuốc theo đơn của bác sĩ, anh chỉ phải trả số tiền rất nhỏ so với giá thực của các dịch vụ. Anh Tùng chia sẻ: Đi KCB bằng thẻ BHYT không chỉ tiết kiệm tối đa chi phí mà tôi còn được khám, kiểm tra bằng thiết bị y tế hiện đại, các bác sĩ chu đáo, tận tình và được cấp phát thuốc có chất lượng.

 

Bà Duyên, anh Tùng là số ít trong hàng trăm nghìn người bệnh trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ việc tham gia BHYT. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, năm 2016, các cơ sở y tế đã phục vụ trên 1,95 triệu lượt người đến KCB có thẻ BHYT. Số tiền quỹ BHYT chi trả lên tới trên 1.100 tỷ đồng. Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 5-2017, số lượt người đến KCB tham gia BHYT là gần 808 nghìn lượt người và quỹ BHYT phải chi trả gần 473 tỷ đồng. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, có rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được BHYT thanh toán với số tiền lớn như: ông Phạm Văn Bá, tổ 2, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên bị bệnh nhồi máu cơ tim được quỹ BHYT thanh toán trên 163 triệu đồng; ông Mã Văn Sáng, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương mắc bệnh xuất huyết dạ dày được chi trả trên 155 triệu đồng; ông Nguyễn Quốc Hưng, tổ 10, phường Cam Giá, T.P Thái Nguyên bị uốn ván được BHYT thanh toán trên 155 triệu đồng… Có thể nói, đây là số tiền rất lớn đối với bệnh nhân, nhất là đối với người kinh tế gia đình còn khó khăn. Nếu không tham gia BHYT, có thể họ sẽ phải bán, cầm cố tài sản hoặc vay nợ để có được khoản tiền chữa bệnh này. Và với rất nhiều người, BHYT như chiếc phao cứu sinh giúp họ vượt qua ốm đau, bệnh tật, khó khăn.

 

Ông Trần Ngọc Kháng, Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) cho biết: Tại Thái Nguyên số người tham gia BHYT không ngừng tăng lên qua các năm, đặc biệt từ khi có Luật BHYT và sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện chính sách BHYT. Nhiều văn bản chỉ đạo rà soát, phát triển đối tượng tham gia BHYT được ban hành kịp thời, các giải pháp đưa ra phù hợp. Công tác tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh.

 

Theo ông Kháng, nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách… tiếp tục được cấp thẻ BHYT đạt tỷ lệ 100%. Các nhóm đối tượng khác cũng đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt là những đối tượng được coi là khó hướng đến như: người lao động và người sử dụng lao động (nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài); nhóm học sinh – sinh viên; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng có tỷ lệ tham gia BHYT tăng dần theo từng năm. Ví dụ như năm 2015, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt 115 nghìn người, năm 2016 là 147 nghìn người và tính đến hết tháng 4-2017 con số ấy đã đạt mức 154 nghìn người. Còn nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên năm học 2015-2016 đạt tỷ lệ 92,9%, đến năm học 2016-2017 đã đạt 95,16%... Nhờ vậy mà tỷ lệ bao phủ BHYT của Thái Nguyên cũng đạt được những con số ấn tượng. Năm 2011, tỷ lệ bao phủ trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 78% (với 916 nghìn người tham gia BHYT); năm 2014, con số này được tăng lên 89% (với trên 1 triệu người tham gia) và tính đến 31-12-2016, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đã đạt 97,5% (với gần 1,2 triệu người tham gia BHYT).

 

Kết quả trên là một nỗ lực lớn của BHXH tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành: Giáo dục; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Liên đoàn lao động… thông qua việc ký kết các chương trình, quy chế phối hợp, hướng dẫn liên ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Cùng với phát triển đối tượng tham gia BHYT, việc nâng cao chất lượng dịch vụ KCB và chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng cũng được quan tâm đặc biệt. Hằng năm, BHXH tỉnh sớm hoàn thành việc ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở y tế và các trạm y tế cấp xã thực hiện khám chữa bệnh theo BHYT. Mức phí, giá dịch vụ KCB cũng được áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

 

Từ ngày 1-6-2017, Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp chính thức có hiệu lực. Nếu bảng giá xây dựng theo thông tư trên được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thực hiện thì sẽ có khoảng trên 50 ngàn người chưa có thẻ BHYT chịu tác động của giá dịch vụ y tế này (theo đó người không có thẻ BHYT khi đi KCB phụ thuộc tùy từng dịch vụ sẽ phải chi trả chi phí cao từ 3 đến 7 lần so với giá dịch vụ y tế trước đây).