Chiều 20/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức hội thảo "Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay".
Hội thảo thu hút sự tham gia của các đại biểu quốc hội, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể có liên quan. Các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, chia sẻ một số ý kiến xung quanh thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian qua, nhiều nhà máy nhiệt điện đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện công nghệ, tăng cường công tác bảo vệ môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, qua thanh tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 19 nhà máy nhiệt điện và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình về bảo vệ môi trường đối với 4 nhà máy nhiệt điện, Tổng cục Môi trường nhận thấy, nhiều nhà máy còn những tồn tại, vi phạm, trong đó có nhà máy đã xảy ra sự cố và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tiến sỹ Nguyễn Văn Tài đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn môi trường đối với nhà máy nhiệt điện than để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường tỷ lệ cây xanh trong các nhà máy nhiệt điện. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện cần làm tốt việc công khai, minh bạch các thông tin về môi trường cho người dân và cộng đồng dân cư trong khu vực; tổ chức đánh giá đầy đủ về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường và giám sát môi trường; có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp, cải tạo, nâng cấp các nhà máy có công nghệ lạc hậu, lắp đặt thiết bị xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường (nhiệt điện Phả Lại 1); rà soát, đánh giá, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, trong đó ưu tiên đến nguồn năng lượng tái tạo như phong điện, điện mặt trời và nhiệt điện đốt than có nhiệt độ hơi trên siêu tới hạn và đặc biệt hơn là việc tiết kiệm sử dụng điện năng.
Tiến sỹ Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của quy hoạch biển là bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng. Nội dung chính của dự thảo Quy hoạch biển tập trung vào việc phân vùng sử dụng biển, gồm các loại vùng biển và xác định các quy định sử dụng đối với các vùng (vùng sử dụng đặc biệt, vùng chú trọng bảo tồn và phát triển kinh tế, vùng phát triển kinh tế kết hợp với bảo tồn, vùng ưu tiên khai thác dầu khí, vùng ưu tiên khai thác hải sản, vùng cho các hoạt động khác); quy hoạch sử dụng các vùng; xác định nhiệm vụ, giải pháp, cách thức tổ chức triển khai quy hoạch sử dụng biển và lập kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Nhiệm vụ, giải pháp quy hoạch biển được xác định là giải quyết các vấn đề trong sử dụng tài nguyên, không gian biển, tập trung vào phân vùng chức năng chi tiết các vùng biển và ven biển; củng cố hệ thống khu bảo tồn biển; điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển và quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh, thành phố có biển phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, các biện pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức quản lý, tập trung vào: xây dựng cơ chế hợp tác đa phương, chế tài xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; khuyến khích, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho khai thác, sử dụng biển; tăng cường năng lực, kiến thức, nhận thức về quản lý tổng hợp biển; phát triển, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển./.