Bệnh nhân nhập viện tăng

17:06, 05/06/2017

Do thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người dân. Tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh, số bệnh nhân nhập viện tăng cao.

Những ngày này, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện A Thái Nguyên tăng khoảng 20% so với những ngày trước đó. Trước đợt nắng nóng, trung bình mỗi ngày có khoảng 500-600 bệnh nhân đến khám bệnh thì nay tăng thêm 80-100 bệnh nhân/ngày. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú tăng khoảng 50 người/ngày. Trong đó, các bệnh đột quỵ, viêm họng cấp, bệnh liên quan đến hô hấp… có xu hướng tăng. Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Sơn Cẩm (Phú Lương) nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, nhịp tim không ổn định, tay chân khó cử động. Các bác sĩ cho biết: Ông Bình có tiền sử bệnh cao huyết áp. Những ngày nắng nóng, sức khỏe suy nhược, khó ngủ vào ban đêm nên huyết áp của ông tăng quá cao dẫn đến đột quỵ.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Hà Hải Bằng, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, thông tin: Trong những ngày nắng nóng, người dân dễ mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp. Những người có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp… có nguy cơ tái phát bệnh cao. Trong những ngày này, đa số các ca bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp, chúng tôi tiếp nhận đều là người cao tuổi.

 

Để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện A Thái Nguyên đã có phương án đảm bảo nguồn điện, nước. Mới đây, Bệnh viện đã đóng điện thêm một trạm phát điện 1.000kVA, nâng tổng công suất phát điện lên 1.550kVA. Bệnh viện có 6 máy phát điện với tổng công suất 930kVA, đảm bảo cung ứng điện trong trường hợp quá tải hoặc  mất điện khẩn cấp. Hiện tại, tất cả các phòng bệnh đều được trang bị hệ thống quạt mát, đa số các phòng đều có điều hòa nhiệt độ. Ngoài ra, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, dù lượng bệnh nhân tăng nhanh với 1.050 giường bệnh, Bệnh viện vẫn đảm bảo bệnh nhân không phải nằm ghép.

 

Còn ở Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình, số bệnh nhân nhi phải nhập viện tăng trên 20 ca/ngày, phần lớn do bị sốt phát ban, viêm phổi; còn đối với bệnh nhân cao tuổi thường mắc các bệnh như tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn não, tai biến mạch máu não... Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình: Thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng tránh như: Uống nhiều nước, tăng cường ăn các loại hoa quả, tránh để cơ thể bị mất nước qua tiết mồ hôi. Vào thời điểm nắng gắt, người dân nên tránh ra ngoài đường, làm việc ngoài trời. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài trời nắng, cần sử dụng mũ, quần áo chống nắng, không để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngoài ra, người dân cần chú ý phòng tránh cơ thể sốc nhiệt do hoạt động mạnh, làm việc thời gian dài dưới trời nắng. Bên cạnh đó, cần phòng tránh bị cảm do thay đổi nhiệt độ đột ngột bằng cách không sử dụng điều hòa ở nhiệt độ quá thấp, tắm nước lạnh khi cơ thể đang nóng.

 

Tại Khoa Sơ sinh - Cấp cứu nhi, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), công suất giường bệnh đạt 200%. Chị Bùi Thị Hải, Điều dưỡng trưởng, Khoa Sơ sinh - Cấp cứu nhi, cho hay: Bệnh nhi nhập viện những ngày này chủ yếu là do sốt vi rút, viêm phế quản… Tuy nhiên, mức độ bệnh của bệnh nhân không nặng nên sau 2-3 ngày điều trị, đa phần các cháu đều có thể xuất viện.

 

Nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nhiều người phải mua hoặc thuê các thiết bị làm mát như: quạt hơi nước, chiếu điều hòa, đệm nước... để dùng thêm trong bệnh viện.

 

Theo dự báo, từ nay đến hết mùa Hè, miền Bắc sẽ trải qua khoảng 6-7 đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao. Thời tiết nắng nóng, một số loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Đối với những người phải đi lại ngoài đường, lao động nặng nhọc, người phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài, nguy cơ sốc nhiệt rất dễ xảy ra. Để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, mọi người dân, đặc biệt người già và trẻ nhỏ cần uống đủ nước, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các loại hoa quả để tăng sức đề kháng. Cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10-16 giờ, bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại mạnh. Khi dùng điều hòa, không được để chênh lệch nhiệt độ nhiều giữa trong phòng và ngoài trời, tốt nhất nên để nhiệt độ điều hòa từ 25-27 độ C...