Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em

09:43, 13/06/2017

Chiều 7-6, tại huyện Phú Bình đã xảy ra vụ đuối nước khiến một cháu nhỏ (sinh năm 2012) ở xã Tân Đức tử vong. Đây là vụ tai nạn đuối nước thứ 7 xảy ra trên địa bàn huyện trong năm nay mà đối tượng tử vong là trẻ em. Sự việc tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn tại các ao, hồ, sông suối ở địa phương này.

Những năm qua, Phú Bình là địa phương có số vụ tai nạn đuối nước nhiều nhất trong toàn tỉnh. Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện thì từ năm 2012 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 7 trẻ em bị thiệt mạng do đuối nước, cao hơn nhiều so với những năm 2010 trở về trước. Riêng 5 tháng qua, đã có 7 vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh khiến 9 người tử vong, trong đó có 3 học sinh lớp 12 trường THPT Điềm Thụy.

 

Trẻ em trên địa bàn huyện bị tử vong do đuối nước nguyên nhân phần nhiều là do sự chủ quan, thiếu giám sát của người lớn, để trẻ tự ý chơi đùa gần các khu vực ao, hồ, sông, suối. Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện cho biết: Theo thống kê, các vụ đuối nước trên địa bàn huyện thường xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh, thích nghịch nước nên trẻ dễ có nguy cơ gặp nạn nếu người chăm sóc trẻ lơ đãng, không để ý trẻ dù chỉ vài phút. Vì vậy, đối với nhóm trẻ này, các ngành chức năng khuyến cáo các bậc phụ huynh, người lớn thường xuyên phải nhắc nhở, giám sát con em mình.

 

Ngoài nguyên nhân trên, việc không biết bơi và thiếu kỹ năng xử lý tình huống cũng khiến trẻ tử nạn. Như cháu V.N.M (11 tuổi) ở Đồng Liên vì cố gắng vớt quả bóng đá ở mương nước, do không biết bơi, mực nước sâu nên M. đã tử vong. Hoặc có trường hợp dù biết bơi song do thiếu kỹ năng xử lý trong cứu nạn, cứu hộ nên gặp nạn. Như trường hợp của em N. (sinh năm 2001) ở xã Đồng Liên tử vong vào năm 2015. Lần đó, khi N. một mình giải cứu thành công 2 bạn học sinh ở cùng xã bị đuối nước trên đoạn sông gần nhà, N. bị đuối sức và bị chìm xuống sông.

 

Qua các vụ việc trên chúng ta có thể thấy rằng, để phòng tránh tai nạn đuối nước trẻ em, cùng với việc quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình, các bậc phụ huynh thì nhà trường, chính quyền địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, trang bị cho trẻ các kỹ năng bơi, xử lý tình huống trong các trường hợp nguy cấp, giúp trẻ có thể thoát nạn, cứu nạn đảm bảo an toàn. Đặc biệt, 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có sông Đào, sông Cầu chảy qua cần kiểm tra rà soát lại địa hình, những khu vực nước sâu, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo đến người dân; đồng thời, tăng cường tuyên truyền phổ biến thông tin trên loa phát thanh để người dân địa phương và các khu vực lân cận nắm rõ, có tinh thần cảnh giác.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 3-4 bể bơi tư nhân được xây dựng ở các xã Tân Hòa, Dương Thành, Nhã Lộng, sân vận động huyện, với giá vé phù hợp từ 10.000-15.000 đồng, phần nào đáp ứng nhu cầu học bơi của của trẻ ở các địa phương trên. Tuy nhiên, các ngành chức năng của huyện, chính quyền địa phương, các cơ sở dạy bơi cần tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ khâu tổ chức để trẻ được vui chơi, học bơi an toàn.