Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, T.P Thái Nguyên đã tập trung chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và xây dựng phương án phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ đó chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hoàng Mác, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Để chủ động PCTT-TKCN trên địa bàn, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về công tác này; kiện toàn lại và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN. Đồng thời, tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT-TKCN năm 2016, xây dựng và triển khai kịp thời kế hoạch, nhiệm vụ công tác này trong năm nay.
Cùng với đó, T.P Thái Nguyên đã xây dựng phương án cụ thể trong công tác PCTT-TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đặc biệt là tại các khu vực trọng điểm trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, gồm: tuyến đê hữu sông Cầu và kè chống lũ trên sông, tuyến đê Gang thép, tuyến đê bối Túc Duyên; công trình đập Thác Huống, hồ Núi Cốc, hồ Cây Si; khu vực bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa (thuộc khu vực xã Phúc Hà) và 10 xã, phường ven sông Cầu (gồm: Tân Long, Quan Triều, Quang Vinh, Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Gia Sàng, Cam Giá, Hương Sơn,Túc Duyên, Đồng Bẩm), 4 xã ven sông Công (Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức).
Tại các địa điểm có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, thành phố đặc biệt chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCTT-TKCN. Với từng khu vực trọng điểm nêu trên, địa phương đều xây dựng phương án giả định tình huống sự cố xảy ra, phương án kỹ thuật, phương án vật tư, phương tiện, nhân lực và huy động lực lượng tại chỗ xử lý hết sức cụ thể. Ví dụ, đối với vị trí Km0+800 của tuyến đê hữu sông Cầu và kè chống lũ trên sông do vướng về mặt bằng nên còn một đoạn kè chưa được thi công, khi mực nước sông Cầu dâng lên mức báo động, nước lũ tràn vào phía cánh đồng gây ngập lụt các khu dân cư phường Túc Duyên, Trưng Vương, để đảm bảo an toàn cho công trình đê cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân, các lực lượng sẽ phải nhanh chóng triển khai phương án xử lý kỹ thuật bằng việc đắp đất, gia cố bao bờ đê. Vật tư sẽ được lấy từ kho Bến Oánh, kho cầu Gia Bẩy và huy động vật tư tại các đại lý vật liệu xây dựng trên địa bàn T.P Thái Nguyên (đã được hợp đồng trước đó ). Về nhân lực, Ban Chỉ huy PCTT cứu hộ cứu nạn phường Túc Duyên, Trưng Vương huy động sẽ huy động lực lượng dân quân cơ động và nhân dân hai phường.
Ngoài những phương án ứng cứu cụ thể, T.P Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các xã, phường khẩn trương xây dựng phương án ứng phó với thiên tai và chủ động trong công tác TKCN; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn sẵn sàng đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Ông Nguyễn Tuấn Kim, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường Túc Duyên thông tin: Sông Cầu chảy qua phường Túc Duyên với chiều dài trên 4km, phường có 600m đê bối, nước dâng nếu không giữ được bờ bao, lũ rất có thểtràn vào gây ngập lụt các khu dân cư của phường. Bởi vậy ngay sau khi nhận được Chỉ thị của UBND Thành phố về PCTT-TKCN, phường đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTT cứu hộ cứu nạn gồm 17 người, do Chủ tịch UBND phường làm trưởng ban. Phường cũng đã xây dựng phương án PCTT-TKCN với phương châm “4 tại chỗ”, sử dụng toàn bộ lực lượng dân quân cơ động gồm 31 đồng chí, hằng năm đều được huấn luyện cơ động trong đó có cả nội dung PCTT - TKCN nên rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực TKCN. Về phương tiện và dụng cụ cứu hộ, cứu nạn, địa phương được trang bị 2 xuồng máy, 16 phao cứu sinh và gần 20 chiếc áo phao. Phường cũng giao cho Hợp tác xã Đại Đồng (nằm trên địa bàn phường) chuẩn bị toàn bộ bao tải, cọc tre để ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra...
Đại diện Ban Chỉ huy PCTT-TKCN T.P Thái Nguyên cho biết thêm: Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và giao về cho các xã, phương quản lý, để thực hiện ứng cứu kịp thời, T.P Thái Nguyên còn thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ (kể cả ngày lễ và ngày nghỉ) để nắm bắt thông tin về tình hình lũ, bão để triển khai đối phó nhanh các tình huống do thiên tai gây ra.