Sáng 1/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam (FES) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam: Thách thức và Cơ hội”.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Nghiên cứu so sánh về chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại châu Á”, do Viện Friedrich Ebert thực hiện tại 8 quốc gia trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước, các bên liên quan chia sẻ, thảo luận về những cơ hội, những thách thức đối với việc chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội tại Việt Nam.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, hội thảo diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào năng lượng và ngoài thủy điện, các loại năng lượng tái tạo ít được sử dụng tại Việt Nam. Trong khi đó, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát triển trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải đang tăng nhanh. Việt Nam đã xây dựng hoàn chỉnh một loạt các chương trình, chính sách để ứng phó với biến đối khí hậu, phát triển ngành năng lượng. Chuyển đổi năng lượng có thể đảm bảo công bằng xã hội vì nâng cao chất lượng dịch vụ năng lượng cho mọi người, tạo việc làm, hiện đại hóa ngành công nghiệp, tăng hiệu quả kinh tế và tăng trưởng, nâng cao chất lượng môi trường, giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức phi Chính phủ trong nước, quốc tế, các chuyên gia năng lượng Việt Nam đã tìm hiểu về dự án nghiên cứu năng lượng khu vực châu Á, hiện trạng chuyển đổi năng lượng ở Thái Lan và tham gia thảo luận nhóm, nhằm đánh giá tác động của các rào cản chính đến chuyển đổi năng lượng, như nhận thức; thể chế, chính sách; tài chính; cơ sở hạ tầng, nhân lực, từ đó kiến nghị các giải pháp cho các rào cản này.
Theo đó, Việt Nam cần phát triển tầm nhìn năng lượng dài hạn mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận năng lượng và hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến 100 % năng lượng tái tạo, tầm nhìn thay thế này phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam. Đầu tư tại Việt Nam phải chuyển dịch sang hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, gió và sinh khối “phân tán”. Đầu tư vào khả năng dự trữ năng lượng và lưới điện cũng là điều cần thiết. Hơn nữa, cần tăng sự minh bạch về tài chính, kỹ thuật của các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sẽ giúp xây dựng niềm tin, cho phép cạnh tranh bình đẳng hơn, nâng cao hiệu suất và có lợi cho người tiêu thụ.
Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách tài khóa, các quy định thúc đẩy, triển khai, nâng cao năng lực về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; tham gia các cuộc đối thoại chính sách về phát triển năng lượng tại các hội thảo hoặc qua phương tiện truyền thông. Ưu tiên tiếp cận đến các cộng đồng vùng sâu vùng xa và nhóm mục tiêu khác nhằm tính đến hỗ trợ cho các dân tộc thiểu số, người lao động được trả lương thấp, các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động và phụ nữ./.