Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nên nguồn điện ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh (Phú Bình) luôn trong tình trạng yếu, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là vào mùa nắng nóng.
Cầu Cong là xóm 135, cách trung tâm xã Tân Khánh khoảng 4km, có 80 hộ dân với trên 340 nhân khẩu, trong đó trên 85% là người dân tộc Sán Dìu. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, người dân nơi đây đã mạnh dạn phát triển kinh tế, nên tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ 60% (năm 2011) xuống còn 14% (2016).
Kinh tế phát triển, người dân không chỉ mạnh dạn đầu tư, mở rộng chăn nuôi, sản xuất, mà còn mua sắm các đồ dùng sinh hoạt điện phục vụ đời sống. Nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng điện ngày càng trở nên yếu ở xóm Cầu Cong. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất cũng như đời sống của người dân, không ít hộ phải dừng hoạt động chăn nuôi cũng vì nguồn điện không đủ đáp ứng. Anh Đặng Văn Cường, một người dân trong xóm chia sẻ: Điện yếu, việc sản xuất, chăn nuôi của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Trước, nhà tôi nuôi gần trăm con gà và gần chục con lợn. Vào mùa lạnh, để úm gà, thay vì sử dụng điện thì tôi phải dùng củi đốt. Mùa hè nắng nóng, không thể bơm lấy nước rửa chuồng trại nên tôi đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua máy phát điện. Trung bình mỗi tháng, ngoài việc trả gần 200 nghìn tiền điện thì nhà tôi phải tốn thêm mấy trăm nghìn tiền xăng, dầu để chạy máy phát. Chi phí cao khiến việc chăn nuôi không mang lại hiệu quả, cuối năm 2016, tôi đã phải ngừng chăn nuôi. Không chỉ vậy, mọi sinh hoạt của gia đình tôi đều bị đảo lộn. Để bơm nước hay chạy máy giặt, nhà tôi phải tranh thủ làm lúc 1, 2 giờ đêm. Có những hôm điện phập phù, tôi phải rút cả tủ lạnh để nhường cho quạt chạy.
Chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Gái vào 11 giờ, đúng lúc chị đang nấu bữa trưa. Vội vã lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Gái nói như phân bua: Nhà có nồi cơm điện nhưng nếu nấu vào giờ này thì sau 3, 4 tiếng cơm mới chín. Điện không ổn định khiến thiết bị điện hỏng rất nhanh. Từ đầu năm đến nay, nhà tôi bị cháy 4 cái máy bơm nước, những hôm máy bơm không chạy được, tôi phải đi lấy nước ở nhà hàng xóm rất vất vả.
Ông Đặng Văn Hồng, Trưởng xóm Cầu Cong cho biết: Vào giờ cao điểm như buổi trưa và chiều tối, nguồn điện ở đây rất yếu, nhiều thiết bị điện như tủ lạnh, ti vi, máy bơm nước, máy giặt… đều trong tình trạng “ngày tắt đêm bật”. Hiện có khoảng gần nửa số hộ chăn nuôi gia trại ở xóm đã bỏ trống chuồng cũng vì có nguồn điện không đảm bảo. Nhu cầu điện trong sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi của người dân trong xóm hiện trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất mong Điện lực Phú Bình sớm xây dựng một Trạm biến áp tại xóm, đồng thời, sửa chữa hệ thống dây dẫn để người dân được sử dụng điện ổn định và có điều kiện để phát triển sản xuất chăn nuôi.
Được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do hàng trăm hộ dân ở 3 xóm: Kê, Tranh và Cầu Cong đều dùng chung nguồn điện của Trạm Biến áp có công suất 160KVA – 10 (22)/0,4KV được xây dựng từ năm 2000 tại xóm Tranh. Khi đó, các hộ dân của 3 xóm chỉ chủ yếu dùng điện cho việc thắp sáng. Vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân tăng cao. Bởi thế Trạm biến áp này đã không còn đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là xóm Cầu Cong do nằm cách xa Trạm nhất, với trên 3km (trung bình, giới hạn đường dây điện từ Trạm đến nhà dân là từ 1-1,5km). Thêm vào đó, đường dây điện do người dân tự đầu tư , tiết diện dây nhỏ càng khiến chất lượng điện không đảm bảo.
Trao đổi về vấn đề này, ông Triệu Đức Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phú Bình cho biết: Mặc dù Điện lực Phú Bình đã nắm bắt được chất lượng điện ở Cầu Cong rát kém nhưng do nguồn kinh phí đầu tư để nâng cấp, sửa chữa lưới điện hàng năm đều có hạn nên chúng tôi chưa thể triển khai lắp đặt ngay trong năm nay. Tuy nhiên, trong kế hoạch chống quá tải điện năm 2018, chúng tôi cũng đã đưa dự án xây dựng Trạm biến áp tại xóm Cầu Cong vào để triển khai. Từ nay đến lúc đó, rất mong người dân sẽ cảm thông và chia sẻ nguồn điện sao cho hợp lý để mọi người cùng được hưởng nguồn điện vào những việc cần thiết và cơ bản nhất.