Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có lũy tích gần 9.500 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có gần 6.500 trường hợp chuyển giai đoạn AIDS, gần 3.400 trường hợp đã tử vong. Hình thái lây nhiễm HIV/AIDS chủ yếu qua đường truyền máu, từ mẹ sang con và qua đường tình dục không an toàn.
Nhiều trường hợp sau xét nghiệm phát hiện có HIV đã không giấu giếm. Họ tự khẳng định nguyên nhân để họ bị lây nhiễm HIV do một lần, thậm chí là thường xuyên có quan hệ với gái mại dâm mà không sử dụng bao cao su. Và họ đã vô tình mang căn bệnh thế kỷ về cho vợ.
Để phòng ngừa sự lây lan trong cộng đồng xã hội căn bệnh HIV/AIDS qua đường mại dâm, từ nhiều năm nay, các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, kiên quyết đấu tranh, bài trừ tệ nạn mại dâm, góp phần hạn chế sự lây lan căn bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng xã hội. Chỉ trong 4 năm (từ năm 2013 đến hết năm 2016), Thái Nguyên đã dành hơn nửa tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống mại dâm. Và năm 2017, dự kiến số tiền dành cho hoạt động này là 170 triệu đồng.
Cũng trong những năm này, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 12 quyết định về thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm. Các cấp, ngành của tỉnh tổ chức 310 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 18.000 lượt cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên và các thành viên câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức hơn 4.000 hội nghị tuyên truyền phòng, chống mại dâm lồng ghép với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm, thu hút hơn 200.000 lượt người tham dự; cấp phát 811 pano, 85.600 sách, tài liệu; 44.650 tờ rơi, tờ gấp; 650 đĩa truyền thông; 700 cuốn sổ tay cán bộ xã, phường, thị trấn làm công tác phòng, chống mại dâm.
Công tác quản lý địa bàn đã được các cấp thường xuyên rà soát, số cơ sở kinh doanh dịch vụ kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh là 770 cơ sở, với tổng số gần 2.000 nhân viên phục vụ, trong đó có 505 cơ sở lưu trú, nhà hàng karaoke và cơ sở xông hơi, massage và gần 300 cơ sở cà phê, gội đầu, thư giãn… Qua rà soát, các cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn tỉnh có 80 cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, với 120 nhân viên dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, trong đó có 75 nhà hàng, karaoke và 5 cơ sở massage. Cùng với đó, Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống mại dâm các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.892 lượt cơ sở. Qua đó phát hiện 408 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, được các đoàn kiểm tra nhắc nhở, cảnh cáo; 149 cơ sở vi phạm hành chính bị xử phạt 248 triệu đồng.
Cũng từ năm 2013 đến hết quý I-2017, lực lượng Công an tỉnh vào cuộc, đấu tranh, triệt phá 63 vụ, bắt giữ 184 đối tượng hoạt động mại dâm, trong đó 103 người bán dâm. Khởi tố 56 vụ, 72 bị can về chứa chấp, môi giới mại dâm và xử lý hành chính 140 đối tượng. Tòa án nhân dân các cấp đưa xét xử 72 vụ, 85 bị cáo, trong đó 44 vụ, 51 bị cáo tội chứa chấp mại dâm; 28 vụ, 34 bị cáo tội môi giới mại dâm. Nhiều phiên toà liên quan tới mại dâm đưa xét xử lưu động, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt từ năm 2013, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội triển khai xây dựng mô hình phòng, chống mại dâm tại 12 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo đánh giá của cơ quan chức năng và chính quyền các xã, thị trấn có mô hình, 100% mô hình phòng, chống mại dâm đều duy trì hoạt động có chất lượng. Thành viên mô hình và đông đảo người dân địa phương, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ lợi dụng hoạt động mại dâm ở địa phương có mô hình được tuyên truyền phổ biến pháp lệnh và các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, lây nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, các đối tượng có phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, các đối tượng chứa chấp, môi giới, dẫn dắt mại dâm thường tổ chức thành đường dây “gái gọi”, sử dụng mạng internet, điện thoại di động để điều hành, tổ chức hoạt động mại dâm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh, triệt phá mại dâm.