Một loại ma túy có tên “Táo độc” gần đây mới xuất hiện tại Hà Nội. Loại ma túy này được cho là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên tử vong tại Anh.
Nhận dạng “táo độc”
Gần đây, cánh dân chơi ở Hà Nội bắt đầu rỉ tai nhau về một loại ma túy mới xuất hiện với mật danh “táo đỏ”, “táo xanh”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại ma túy mới này đang lan truyền chóng mặt trong giới trẻ Việt. Hành vi sử dụng loại ma túy này được cánh dân chơi gọi là “cắn táo”.
Vẫn chiêu trò “bình mới rượu cũ”, loại ma túy mới lấy biểu tượng quả táo cắn dở của hãng Apple để thu hút người sử dụng. “Táo độc” thực chất chính là Ecstasy (thuốc lắc), được bào chề dưới dạng viên nén hình tròn với nhiều màu sắc khác nhau.
Trò chuyện với chúng tôi, V-một dân chơi chuyên đi bar cho biết, các loại “táo” này thường được các đối tượng “cắn” trong các cuộc “đi bay” tại các quán bar, quán karaoke, sàn nhảy… Theo lời V, sau khi “cắn táo” cùng với rượu mạnh, cơ thể sẽ có nhiều biến đổi như: tim đập nhanh, vã mồ hôi, mặt đỏ… Khi dùng với liều lượng lớn thì màu sắc, âm nhạc sẽ trở nên sinh động hơn. Khi táo ngấm vào cơ thể, người dùng sẽ bị kích động cuồng nhiệt và có những hành vi kỳ lạ. “Cắn táo” một thời gian sau sẽ xuất hiện ảo giác.
Tuy nhiên, thực tế khác với những nhầm tưởng của cánh dân chơi, ẩn đằng sau những lần “bay” xả láng, những cuộc chơi thác loạn là sự đánh đổi đắt giá, thậm chí bằng chính sinh mạng của mình.
Theo thông tin từ tờ Mirror, “táo độc” được cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt cái chết và khiến nhiều người nguy kịch tại Anh, Trong năm 2013, cảnh sát đã phát hiện nhiều cái chết bí hiểm liên quan đến các loại táo độc này. Hầu hêt các nạn nhân là nam giới, tuổi đời còn rất trẻ. Một trong số các nạn nhân là Gareth Ashton- chàng trai 28 tuổi đã qua đời sau cơn đau tim sau khi dùng loại táo này. Trước đó, cảnh sát phát hiện Anthony Lennon, 26 tuổi qua đời tại Liverpool sau một thời gian bất tỉnh nhân sự vì sử dụng “táo độc”.
Gareth Ashton-một nạn nhân của “táo độc”-Ảnh: Daily Mail
Theo nguồn tin từ tờ Daily Mail, các chuyên gia y tế nhận định nếu sử dụng thuốc lắc lâu ngày sẽ có nhiều tác động xấu đến cơ thể về mặt tâm lý: trầm cảm hoang tưởng, mất trí nhớ, người dùng sẽ dễ bị suy sụp, chán chường, lo lắng. Về mặt thể chất, do bị kích động nên người dùng bị dùng có hiện tượng bị nhiều nước, biếng ăn, thân nhiệt tăng, mất ngủ.
Bán ma túy, nhận thẻ cào điện thoại
Khi được hỏi về cách thức mua “táo xanh", V cười bí hiểm: "Hiện táo đỏ với táo xanh hiện đang rao bán ngang nhiên trên mạng xã hội. Tháng 6 được cánh dân chơi ví là là tháng củ mật, nên mua bán khó đi một chút".
Bây giờ dân buôn không nhận tiền trực tiếp nữa mà nhận qua thẻ cào điện thoại để qua mặt cơ quan chức năng. Đối với các tỉnh xa, các chân rết sẽ gửi qua các chuyến xe khách hoặc dịch vụ chuyển phát nhanh nên chỉ trong vòng 1-2 ngày, hàng đã đến tận tay khách. Theo V, hình dạng của “táo độc” trông như viên kẹo ngậm, thuốc tân dược nên táo độc rất dễ bị nhầm lẫn. Đó cũng là một cách “ngụy trang” khéo léo, tinh vi của dân chuyên điều chế ma túy. Càng đơn giản, càng thông dụng, dân chơi càng dễ cất giấu, cơ quan điều tra càng khó phát hiện.
Thực tế, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại thuốc lắc với hình thức và tên gọi khác nhau, nên công tác kiểm soát rất khó khăn. Vì kém hiểu biết, kiếm lợi nhuận bất chấp sức khỏe người dùng, các loại “táo độc” bị người bán quảng cáo là thần dược gây hưng phấn, ăn chơi không biết mệt. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp để “dẹp” các loại ma túy mới này.