Xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hoá) nằm nép mình quanh sườn núi. Bao năm nay, những người dân nơi đây chỉ biết cặm cụi bên nương chè, vạt rừng, làm mướn kiếm kế sinh nhai. Từ khi Dự án Saemaul (Làng Mới) về xóm, bà con được giao lưu văn hoá, văn nghệ, được tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi mở mang kiến thức; con em họ được học tiếng Anh, tiếng Hàn… Sức sống mới mang tên Seamaul đang dần dần thay đổi cuộc sống, con người nơi đây.
Dự án Saemaul (Làng Mới) do Quỹ toàn cầu Saemaul tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc tài trợ thông qua hoạt động bảo lãnh của KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc). Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển cộng đồng khu vực nông thôn theo mô hình Làng mới Saemaul Undong của Hàn Quốc nhằm cải thiện môi trường sống, thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập cho người dân. Xóm Tổ là đơn vị duy nhất trên địa bàn huyện được lựa chọn để kết hợp với nước bạn thực hiện xây dựng mô hình này.
Xóm Tổ vốn là xóm nghèo của xã Phượng Tiến với 59 hộ, 248 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, 70% diện tích đất là đồi núi. Đời sống của người dân dựa vào nguồn thu nhập chính từ 80ha rừng, 15ha lúa và 2ha chè. Với mục tiêu cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức, thu nhập, thay đổi diện mạo cho người dân nơi đây, năm 2014, Đoàn tình nguyện viên của Hàn Quốc đã trực tiếp khảo sát tại xóm bằng hình thức “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng làm) để xây dựng mô hình làng mới. Sự khởi đầu tuy có khó khăn, song nhân dân xóm Tổ đã đoàn kết, quyết tâm hợp tác cùng đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc và thực hiện thành công những bước đi đầu tiên.
Đến xóm Tổ hôm nay nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ở đây. Qua cổng trào “Khu dân cư xóm Tổ” là những công trình đường, nhà văn hoá mang tên Seamaul. Chúng tôi đến xóm đúng lúc Đoàn tình nguyện Hàn Quốc đang tổ chức các hoạt động tình nguyện. Không kể cái nắng gay gắt của mùa hè, những người bạn xứ Hàn vẫn hăng say cùng bà con trong xóm sơn lại các công trình phụ của các hộ gia đình. Nhà văn hoá những ngày này luôn đông đúc người từ trẻ em đến người già, tiếng cười nói râm ran. Bà con vui lắm khi có Đoàn tình nguyện Hàn Quốc về xóm. Bởi không chỉ tặng quà, Đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, sơn và trang trí lại nhà tắm, nhà vệ sinh; dạy họ đan quạt, túi xách; cùng giao lưu văn nghệ… Hình ảnh người nông dân nhỏ nhắn quanh năm bám ruộng vườn, đang đứng nhảy múa cùng những người bạn Hàn sôi nổi, hào hứng khiến chúng tôi thấy giữa họ không còn khoảng cách dù bất đồng về ngôn ngữ, văn hoá. Đây thật sự là ngôi nhà chung đầy ý nghĩa của những người bạn Hàn và người dân xóm Tổ.
Ông Bùi Văn Cường, Trưởng xóm Tổ cho biết: Nhà văn hoá là công trình đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước đầu thực hiện chương trình hợp tác của lãnh đạo 2 huyện Định Hóa và huyện Choengdo, tỉnh Gyeong Sang Buk (Hàn Quốc). Công trình rộng 215m2, gồm 1 hội trường lớn, 1 phòng họp nhỏ, 1 thư viện và các công trình phụ trợ, kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng do phía bạn tài trợ. Sau nhà văn hoá, lần lượt các công trình giao thông, nhà vệ sinh được xây dựng. Hiện tại, hệ thống đường trong xóm đã được bê tông hoá vào từng hộ gia đình, 33 nhà vệ sinh xây dựng khép kín, các hộ trong xóm được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Từ Chương trình Saemaul của Hàn Quốc đã giúp bà con đoàn kết chung tay xây dựng nông mới, đổi mới sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, từng bước thay đổi tập quán canh tác. Dự án trồng cây ăn quả như chanh, bưởi đang được thực hiện với 35/59 hộ tham gia với 3.000 cây, dự án nuôi thỏ đang được triển khai.
Cùng với hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong xóm, hiện nay đoàn tình nguyện viên Hàn Quốc đang triển khai các dự án về giáo dục như dạy tiếng Hàn, tiếng Anh, dạy võ... Từ tháng 9-2015 đến nay, lớp học tiếng Hàn Quốc dành cho người dân và các em học sinh trong xóm và một số em xóm lân cận được duy trì tổ chức 2 buổi/tuần, với hơn 20 em học sinh. Em Nguyễn Thị Như Quỳnh, xóm Đình tâm sự: Em tham gia lớp học được 2 năm, đây là môi trường lý thú không chỉ tạo điều kiện cho chúng em được giao lưu với mọi người đặc biệt là Đoàn tình nguyện Hàn Quốc mà qua đây còn mở ra cơ hội tốt cho tương lai sau này. Cùng với lớp học tiếng Hàn, thư viện được mở tại đây với hàng trăm đầu sách phục vụ các em thiếu nhi. Hàng tuần các em đều đến đây đọc sách, giao lưu văn nghệ, học võ…
Tính đến nay, xóm Tổ còn 15/59 hộ nghèo theo chuẩn mới, chiếm 25% số hộ sinh sống trên địa bàn. Dẫu đời sống kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, song hy vọng với sự chung tay cũng như "truyền lửa" tinh thần "cần cù, tự lực, hợp tác" từ các đoàn tình nguyện nước bạn, xóm Tổ sẽ nỗ lực vươn lên trở thành xóm giàu có, văn minh.