Nghề báo được coi là nghề mang tính đặc thù, đi nhiều, viết lắm, mỗi tác phẩm là một cuộc hành trình gian nan, thấm đẫm vui, buồn. Nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), Báo Thái Nguyên xin trân trọng giới thiệu một chút chia sẻ về nghề của những người đang lặng lẽ “đưa thông tin về với bản xa”.
Có thêm nhiều người thầy
Phóng viên Trần Quyền, Báo Thái Nguyên: Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, tôi dạy phổ thông một thời gian,được gọi là thầy - vinh dự lắm, chuyển sang nghề báo, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, càng ngày tôi càng có thêm nhiều người thầy.
Đối với tôi, ai cũng có thể là thầy của mình ở khía cạnh nào đó. Những đồng nghiệp cùng cơ quan, họ đi trước tôi trong nghề, trải đời, trải nghề, họ chỉ cho tôi từ kỹ năng cơ bản đến những nghiệp vụ nâng cao, gián tiếp hoặc trực tiếp; cho tôi nhận thức rõ thế nào là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội và bản lĩnh của người cầm bút. Tôi cũng học được nhiều điều từ các đồng nghiệp ở những tờ báo khác qua tiếp xúc trực tiếp, qua tác phẩm và những thành tích hoặc va vấp của họ. Ngay cả những đồng nghiệp trẻ mới vào nghề cũng “bồi dưỡng” cho tôi nhiều thứ, bởi họ có tinh thần xông xáo, ham học hỏi và khát vọng khẳng định bản thân.
Đúng như người xưa nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, “Trường đời” rộng lớn, bao dung và cũng đầy những tri thức uyên thâm. Sau mỗi lần tác nghiệp, tôi lại “lớn” thêm một chút. Chính những người mình tiếp xúc, phỏng vấn, đã trực tiếp hay gián tiếp dạy mình một điều gì đó. Có lần tôi may mắn được gặp Đại tá, Họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng - Anh hùng LLVT Nhân dân Lê Duy Ứng, người bị thương hỏng cả đôi mắt và đã dùng máu từ chính đôi mắt bị thương của mình để vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay tại chiến trường. Tôi viết một bài về ông, ngôn từ khá xúc động, được nhiều độc giả phản hồi tốt. Vài ngày sau, khi đọc được bài báo đó, dù đang nằm trên giường bệnh ông vẫn gọi điện ngay cho tôi: Bác cám ơn cháu vì bài báo, bác xin để làm kỷ niệm… Bác chỉ không muốn cháu viết bác là người họa sĩ “mù” như trong bài, dù đúng nhưng nghe nó cứ sao ấy. Nghề báo quan trọng lắm, mỗi câu chữ đều phải cẩn thận cháu ạ… Tôi suy nghĩ mãi, đúng vậy, nếu cẩn trọng hơn thì mình có thể dùng từ khác, đồng nghĩa mà vẫn hay.
Rồi những người nông dân, công nhân, công chức, bác xe ôm, thanh niên từng tù tội… mỗi người tôi đã gặp đều dạy tôi một điều gì đó. Nghề báo nhiều áp lực, hay va chạm, cần nhiều tố chất, nhiều kỹ năng…. Họ là những người thầy của tôi trong nghề báo.
Có tâm với nghề, nghề không phụ
Phóng viên Mạnh Nghịnh, Phòng Bạn nghe đài và xem truyền hình, Đài Phát thanh - Truyên hình tỉnh: Ngót chục năm gắn bó với nghề đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm vui, buồn. thời gian mới vào nghề, tôi có nhiều bỡ ngỡ lắm. Là người miền xuôi (quê tôi ở Thái Bình) lên miền ngược công tác, lại thường làm các phóng sự về miền núi, vùng cao, tôi phải dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân nơi đây. Khó khăn nhất là phải làm quen với những cung đường đèo dốc nhiều ổ voi, ổ trâu mỗi khi đi cơ sở. Công việc vất vả trong khi lương hợp đồng rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, đã có lúc tôi thấy nản. Tuy nhiên, lòng yêu nghề và sự động viên của các anh, chị đồng nghiệp đi trước đã giúp tôi vượt qua những gian khó để trụ vững với nghề.
Từng tác nghiệp tại những điểm nóng và gặp nhiều hiểm nguy, thậm chí từng bị hành hung trong một lần tác nghiệp tại xã Quân Chu (Đại Từ) khi chúng tôi phản ánh về tình trạng khai thác cát sỏi trái phép một cách ngang nhiên tại đây (dù trước đó, chúng tôi đã có bài phóng sự phản ánh về tình trạng này) nhưng tôi vẫn yêu và say nghề. Khi bị côn đồ đuổi đánh, tuy rất hoang mang nhưng với trách nhiệm vừa là một công dân, vừa là một nhà báo, tôi thấy mình phải có bổn phận phản ánh trung thực và khách quan những thông tin ở cơ sở để bảo vệ lẽ phải…
Càng gắn bó với nghề, tôi càng thấm thía một điều rằng có tâm với nghề, cống hiến hết mình, nghề không phụ mình. Minh chứng sống động nhất cho những nỗ lực của tôi là tôi đã vinh dự được trao giải tại Giải Báo chí Quốc gia, trong đó có 1 giải Khuyến khích năm 2011 và 1 giải C năm 2013; đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2016 và nhiều giải thưởng báo chí do cấp tỉnh, ngành tổ chức… Những gì đạt được của tháng ngày qua sẽ là hành trang giúp tôi vững vàng bước tiếp trên con đường mình đã lựa chọn…
Không khỏi băn khoăn khi thấy mình đang tụt hậu
Nhà báo Thu Huyền, Báo Văn nghệ Thái Nguyên: Tôi là “dân” Sư phạm, học xong chẳng xin được làm cô giáo, vậy là tôi là xin vào Hội Văn học nghệ thuật làm “chân loong toong”. Vừa làm vừa học các anh chị đi trước, rồi thành nhà báo. Khoảng những năm 1998-1999, lúc đó giáo viên bắt đầu được hưởng phụ cấp đứng lớp, nhà thơ Hà Đức Toàn, lúc ấy là Chủ tịch Hội bảo tôi: “Hay cháu lại về với ngành Giáo dục đi, để chú nói với bên Tổ chức chính quyền cho”. Tôi bảo: “Thôi chú ạ, cháu làm thế này quen rồi”. Và đúng là quen thật, tôi gắn bó với nghiệp báo cho đến bây giờ, đôi lúc cũng giật mình tự hỏi không biết nghề chọn mình hay mình chọn nghề.
Làm báo, có nhiều cơ hội đi và tiếp cận, tôi thấy mình may mắn, vì có nhiều lĩnh vực, nếu không phải do yêu cầu công việc, có lẽ chẳng bao giờ tôi để tâm tìm hiểu. Làm “cầu nối thông tin”, tôi có thêm vốn sống, để biết chia sẻ, tin yêu và trân trọng những gì mình đang có… Nói chung, nghề báo mang lại cho tôi nhiều niềm vui và tự hào. Niềm vui được gặp gỡ nhiều, đi nhiều và mỗi tác phẩm khi viết ra nếu đem lại được điều gì cho bạn đọc cũng là niềm hạnh phúc của người cầm bút. Cùng là làm báo, nhưng báo Văn nghệ có những đặc thù riêng, chúng tôi không chịu áp lực quá nhiều về tin, bài như ở một số cơ quan báo chí khác, tính thời sự cũng không bị căng như ở các cơ quan bạn, nhưng mỗi tác phẩm viết ra lại cần có sự hài hòa cả chất báo và chất văn.
Đã nhiều năm trong nghề, tôi cũng tích lũy được một vài kinh nghiệm, nhưng trước thời đại bùng nổ thông tin này, nhiều lúc tôi cũng không khỏi băn khoăn và có cảm giác mình đang tụt hậu so với lớp trẻ…
Lòng đam mê sẽ tạo ra những tác phẩm hấp dẫn
Phóng viên Nguyễn Thị Hảo, Đài Truyền thanh - Truyền hình Phú Lương: Công tác tại Đài Truyền Thanh - Truyền hình huyện Phú Lương từ năm 2009, đến nay được 8 năm, nhớ lại những ngày đầu bước chân vào nghề tôi không khỏi bồi hồi. Thời điểm đó, cơ sở vật chất của Đài còn khó khăn, việc tác nghiệp đối với phóng viên mới vào nghề như tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ... Song được sự quan tâm dìu dắt của lãnh đạo Đài, sự chỉ bảo tận tình của các anh chị trong cơ quan, tôi bắt đầu làm quen với công việc của một phóng viên Đài huyện. Cũng tại đây tôi đã hiểu phóng viên của Đài huyện có những đặc thù riêng đó là phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau. Vừa là phóng viên viết, vừa là phóng viên quay phim, có đôi lúc kiêm luôn việc dựng chương trình hoặc làm phát thanh viên. Dù vất vả, khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội để phóng viên phát huy sở trường, năng lực, được học hỏi nhiều điều hơn. Kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi trong nghề là vào năm 2012, thời điểm đó cũng là tháng 6. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ cơ sở thông tin có một nữ hộ sinh của Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Lương nhặt được 2 triệu đồng của một bệnh nhân nghèo và trả lại cho người bị mất. Bài viết sau đó tôi gửi đến Báo Thái Nguyên và được đăng ở mục Những bông hoa đẹp. Cũng từ bài viết đó tôi đã rút ra được kinh nghiệm trong việc viết tin, bài cho báo in. Mỗi loại hình đều có những lợi thế, đặc trưng riêng. Nếu như phát thanh lợi thế về âm thanh trong đó gồm tiếng động nhân vật, tiếng động hiện trường, âm nhạc... thì báo in phóng viên phải miêu tả nhiều hơn, lời bình nhiều hơn và đặc biệt là hình ảnh minh họa cho bài viết phải sinh động…
8 năm chưa phải là dài, nhưng quãng thời gian ấy đã giúp tôi rèn luyện để trở thành một phóng viên có kinh nghiệm, bạo dạn hơn, tác nghiệp chuyên nghiệp hơn...Với tôi khi đã là phóng viên đài huyện thì phải có niềm đam mê, lòng yêu nghề, tinh thần lao động nghiêm túc và không ngừng đổi mới, học hỏi, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, hiểu biết xã hội để tạo ra những tác phẩm hấp dẫn.