Người đến nhận nâng niu, trân trọng túi thực phẩm được tặng; người trao cũng cảm thấy lòng phấn khởi, vui tươi vì giúp đỡ được phần nào những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn. Đó là cảm nhận ban đầu của chúng tôi khi đến thực tế tại gian hàng thực phẩm an toàn giá 0 đồng của Công ty cổ phẩn Chế biến nông sản Thái Nguyên, số 4, đường Cách mạng Tháng Tám (T.P Thái Nguyên).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ tháng 2-2017, Công ty cổ phẩn Chế biến nông sản Thái Nguyên bắt đầu triển khai gian hàng giá 0 đồng dành cho đối tượng là các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Tại đây, trong khung giờ từ 16-17h hằng ngày, các gia đình chính sách được tặng một suất thực phẩm bao gồm: thịt, cá, rau, củ, quả... phục vụ cho nấu nướng, chế biến bữa ăn trị giá 30.000 đồng.
Bà Tạ Thị Thúy Hồng, nhân viên phụ trách bán hàng của cửa hàng cho biết: Ban đầu, khi chúng tôi triển khai chương trình này, nhiều người dân còn chưa tin tưởng, không biết có phải được tặng thực phẩm thật không hay là bị lừa. Có người đến, trước khi nhận thực phẩm còn hỏi rõ nguồn gốc, xuất xứ, ngửi xem có còn tươi ngon hay đã bị ôi thiu. Chúng tôi đã ân cần giải thích rõ ràng cho bà con hiểu. Sau khi nhận được thực phẩm về nấu nướng, chế biến thấy tươi ngon, lần sau, người dân lại tiếp tục đến. Trung bình mỗi ngày, chúng tôi cung cấp 15-20 suất thực phẩm miễn phí, tính từ cuối tháng 2 đến nay, Công ty đã cấp hơn 2.000 suất phục vụ các gia đình chính sách.
Người có ý tưởng dành tặng thực phẩm cho các gia đình chính sách là anh Đỗ Văn Cương, Giám đốc Công ty. Anh Cương chia sẻ với chúng tôi: Làm kinh doanh, ngoài mục tiêu đảm bảo sự tin tưởng, hài lòng cho khách hàng, Công ty cũng luôn quan tâm tới các gia đình chính sách, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam. Bởi, chúng tôi hiểu, họ và những người thân trong gia đình đã trải qua nhiều đau thương, mất mát, nhiều người trong số họ không còn khả năng lao động. Thấu hiểu điều đó, Ban lãnh đạo Công ty đã bàn bạc, thống nhất trợ giúp những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn bằng việc làm cụ thể là tặng thực phẩm sạch. Vào thứ 7 hàng tuần, Công ty còn cung cấp thịt, gạo, cá, rau, củ, quả và thuê nấu nướng, chế biến thành 90 suất cơm, trị giá 20 nghìn đồng/suất cho các bệnh nhân ở Khu điều trị phong Phú Bình.
Đưa đôi bàn tay gầy run run đón nhận túi thực phẩm miễn phí, bà Nguyễn Thị Chí, ở tổ 5, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Hiện, gia đình tôi có 2 vợ chồng và đứa con trai út cùng sinh sống. Chồng tôi là thương binh hạng 1/4, đã già yếu. Thằng út thì bị khuyết tật, hay ốm đau, không thể đi được xe, không lao động nặng được. Mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào tiền trợ cấp ít ỏi của chồng tôi, không đủ trang trải. Hơn 3 tháng nay, được nhận thực phẩm miễn phí vào các buổi chiều, gia đình tôi cũng cải thiện được bữa ăn. Số tiền này, tôi dành dụm tiết kiệm cũng được 200-300 nghìn đồng/ tháng để phòng những lúc ốm đau, hoạn nạn. Số tiền tuy không lớn nhưng gia đình tôi cảm thấy rất phấn khởi và bớt đi phần nào nỗi lo mưu sinh.
Gia đình ông Vũ Hà Quế, 78 tuổi, ở tổ 11, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cũng là một trong những hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu thực tế để viết bài, bắt gặp hình ảnh ông Quế với thân hình nhỏ thó, gầy gò, có cánh tay trái bị khoèo không cử động được nhưng vẫn tự đi xe đạp đến nhận thực phẩm. Trò chuyện với chúng tôi, ông Quế tâm sự: Tôi bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người gần 10 năm nay, không thể lao động được. Tuy vậy, tôi vẫn gắng gượng hoạt động 1 nửa cơ thể, đi chợ, rửa rau, nấu cơm.... Bà nhà tôi cũng gần 70 tuổi, lúc còn khỏe thì chạy chợ buôn bán nhỏ kiếm tiền sinh sống qua ngày, giờ về già không có lương hưu. Con cái thì ra ở riêng, cũng không khá giả về kinh tế nên hai vợ chồng phải tự túc lo cho nhau. Hôm nào đi nhận thực phẩm về mà không ăn hết, chúng tôi cho vào túi bóng cất cẩn thận trong tủ lạnh để hôm sau dùng tiếp, đỡ được khoản nào hay khoản ấy.
Gặp gỡ, trò chuyện với những người được nhận thực phẩm miễn phí, tôi nhìn thấy trong ánh mắt họ lấp lánh niềm vui. Họ vui vì trong bữa cơm tối giờ đã có thêm món thịt, cá, đảm bảo đủ dinh dưỡng và mỗi tháng còn tiết kiệm dành dụm được một món tiền nho nhỏ để phòng những lúc ốm đau, hoạn nạn. Mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai, nhưng tôi nhận ra, họ đều có điểm chung là đều đang cố gắng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều những nhà hảo tâm chung tay chăm lo tới các gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn... để họ vơi bớt phần nào những vất vả, lo toan trong cuộc sống.