Người bệnh chưa có thẻ BHYT trước áp lực tăng viện phí

13:32, 03/06/2017

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, hơn 1.900 dịch vụ y tế đã tăng giá từ ngày 1-6-2017. Đối với tỉnh Thái Nguyên, theo dự kiến, lộ trình tăng giá tại các cơ sở y tế công lập đối với nhóm đối tượng không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT sẽ được thực hiện từ nay đến tháng 8-2017. Đứng trước việc giá viện phí tăng gấp nhiều lần do với trước đây, những bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ đối mặt với áp lực này như thế nào?

Tính đến hết năm 2016, diện bao phủ BHYT của tỉnh Thái Nguyên đạt 97,5% dân số toàn tỉnh. Năm 2016, BHXH tỉnh đã chi 1.200 tỷ đồng cho quỹ BHYT, cấp trên 1,6 triệu thẻ BHYT cho người dân…

Lần đầu tiên đến khám tại Bệnh viện A Thái Nguyên, anh Nguyễn Đức Tân ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) không khỏi ngỡ ngàng trước hóa đơn tiền xét nghiệm và thuốc lên đến hơn 2 triệu đồng. Khi được các bác sĩ giải thích, anh Tân mới hay, nguyên nhân chi phí khám bệnh cao như vậy là do anh không có thẻ BHYT. Anh Tân cho hay: Gia đình ở nông thôn, từ nhỏ đến lớn hầu như chẳng đau ốm bao giờ nên không nghĩ đến chuyện mua BHYT. Nay có bệnh mới biết chi phí khám bệnh một lần đã “ngốn” đến hơn 1/3 thu nhập hàng tháng của gia đình. Ngay sau khi về nhà tôi sẽ mua BHYT cho cả gia đình để đề phòng những trường hợp khi ốm đau.

 

Không giống như trường hợp của anh Tân chưa từng mua BHYT, những năm trước đây, bà Lê Thị Thủy ở tổ 7, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) luôn mua BHYT đầy đủ. Tuy nhiên, năm nay, một phần do rắc rối liên quan đến việc chuyển hộ khẩu, phần do chủ quan nên đến giữa năm bà Thủy vẫn chưa mua BHYT. Đến khi bị viêm nhiễm khuẩn vùng phần mềm, phải nằm điều trị gần nửa tháng tại Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) bà mới hiểu sự khó khăn của người không có thẻ BHYT. Bà Thủy chia sẻ: Mới chỉ nằm viện 3 ngày, chi phí gia đình tôi phải chi trả đã là 4,8 triệu đồng. Chưa nói đến chi phí giường bệnh, ăn uống, đi lại. Các bác sĩ nói tôi phải điều trị khoảng 14 ngày, tổng chi phí lên tới khoảng hơn 10 triệu đồng.

 

Bác sĩ Đỗ Minh Phương, Khoa Cơ xương khớp cho biết: Khoảng 90% bệnh nhân điều trị tại khoa chúng tôi đều có thẻ BHYT. Đối với nhóm bệnh nhân chưa có thẻ BHYT, gánh nặng kinh tế khi điều trị của họ rất lớn. Ví như tiền giường bệnh mỗi ngày của bệnh nhân đã là 178 nghìn đồng, cộng thêm thuốc men, xét nghiệm, phẫu thuật… nên chi phí khá lớn. Nếu bệnh nhân có thẻ BHYT, họ sẽ được BHYT chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh.

 

Bác sĩ Chuyên khoa II Phan Bá Đào, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thông tin: Bệnh viện nằm trong nhóm 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ Y tế sẽ tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT từ ngày 1-6-2017. Tuy nhiên, do đến thời điểm này, do chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BYT nên chúng tôi chưa thực hiện. Dự kiến, Bệnh viện sẽ thực hiện tăng giá các dịch vụ y tế sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế, có thể là ngay trong tháng 6 này. Khi đó, chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ bị đội giá lên khá nhiều.

 

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, Sở đang phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Kế hoạch điều chỉnh giá viện phí với những người chưa tham gia BHYT, hoặc có thẻ nhưng đi khám chữa bệnh, sử dụng các dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Dự kiến, Kế hoạch sẽ được trình HĐND tỉnh phê duyệt và sẽ được thực hiện trong tháng 8-2017. Việc tăng giá viện phí lần này, số người không có thẻ BHYT sẽ  bị ảnh hưởng nhiều hơn khi chẳng may bị những căn bệnh hiểm nghèo. Những ca bệnh nặng như ung thư, nhồi máu cơ tim, suy thận, tim mạch… người bệnh có thể phải chi trả hằng trăm triệu đồng để điều trị. Chi phí này là quá sức đối với nhiều gia đình, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, mức chi trả của BHYT cho các loại bệnh lý này hiện nay tương đối tốt, trung bình khoảng 50-80% tổng chi phí điều trị. Vì vậy, tham gia BHYT là lựa chọn tốt nhất cho người dân để đảm bảo tài chính trong chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để các bệnh viện cạnh tranh về chất lượng khám chữa bệnh, thực hành ứng xử. Từ đó, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020.