Sáp nhập hai đơn vị sự nghiệp tại Võ Nhai: Đòi hỏi từ thực tế

09:25, 20/06/2017

UBND huyện Võ Nhai đang xây dựng Đề án sáp nhập Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VH-TT) và Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TT) để thành lập Trung tâm VH-TT và Truyền thông huyện. Việc sáp nhập phù hợp với chủ trương của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực tế hoạt động của 2 đơn vị hiện nay. Võ Nhai cũng là địa phương cấp huyện đầu tiên trong tỉnh xây dựng đề án sáp nhập 2 đơn vị này.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Võ Nhai đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn xây dựng dự thảo Đề án sáp nhập Trung tâm VH-TT và Đài TT-TT huyện gồm 2 phương án, trong đó có thêm phương án sáp nhập cả Phòng Văn hóa - Thông tin huyện với 2 đơn vị nêu trên thành Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao. Tuy nhiên, khi được tham khảo ý kiến (bằng phiếu) thì đa số các thành viên UBND huyện cho rằng chỉ nên sáp nhập 2 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm VH-TT và Đài TT-TT huyện), còn Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan quản lý Nhà nước thì không sáp nhập. Sau khi chọn phương án sáp nhập Trung tâm VH-TT với Đài TT-TT huyện, ngày 8-6 vừa qua, UBND huyện Võ Nhai đã trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến trước khi hoàn chỉnh Đề án để trình các sở liên quan và UBND tỉnh xem xét, quyết định.

 

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Võ Nhai cho biết: Một khó khăn đối với chúng tôi trong quá trình tham mưu xây dựng Đề án nêu trên là không có văn bản của cấp trên quy định cụ thể về việc sáp nhập 2 đơn vị này, trong tỉnh cũng chưa có địa phương nào sáp nhập đài TT-TH với trung tâm VH-TT cấp huyện. Vì vậy, sau khi được UBND huyện giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì tham mưu, chúng tôi đã tiến hành các bước một cách cẩn trọng, nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời tham khảo kinh nghiệm một số địa phương ngoài tỉnh đã tiến hành sáp nhập tương tự.

 

Theo đánh giá của UBND huyện Võ Nhai, Đài TT-TH và Trung tâm VH-TT huyện về cơ bản đều hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của 2 đơn vị đã và đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dàn trải nên không phát huy hết công năng. Trung tâm VH-TT là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc UBND huyện, tự đảm trách một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư và giao khai thác, sử dụng nhưng chưa phát huy tốt (được giao quản lý Nhà văn hóa huyện và một điểm vui chơi, giải trí). Từ khi thành lập (cuối năm 2012) đến nay, nguồn thu từ các dịch vụ của Trung tâm ít nên không đủ chi, chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách. Đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của Trung tâm (gồm 8 người, trong đó có 1 lao động hợp đồng) đa phần không được đào tạo cơ bản về lĩnh vực văn hóa, thể thao, lại chưa được bố trí phù hợp nên còn bị động, lúng túng trong tham mưu, hạn chế trong hoạt động…

 

Trong khi đó, từ tháng 7 tới, Đài TT-TH huyện chỉ còn tập trung sản xuất và phát các chương trình truyền thanh. Bởi khi thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ Thông tin - Truyền thông, các đài cấp huyện sẽ dừng phát sóng, tiếp sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền huyện Võ Nhai thấy rằng việc sáp nhập 2 đơn vị này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Trung ương về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Tiệu, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai phân tích: Ưu điểm rõ nhất của việc sáp nhập là sẽ giảm được đầu mối, bớt sự cồng kềnh về tổ chức bộ máy. Ngoài ra, khi trở thành 1 đơn vị thì sẽ giảm được cấp phó từ 3 người xuống còn 2. Một thuận lợi khi sáp nhập là Giám đốc Trung tâm VH-TT hiện nay sẽ nghỉ chế độ vào tháng 7 tới, giảm bớt khó khăn khi bố trí lại nhân sự lãnh đạo. Nếu cấp trên quyết định cho sáp nhập 2 đơn vị thành Trung tâm VH-TT và Truyền thông huyện theo Đề án, Huyện ủy sẽ chỉ đạo rà soát để bố trí, sắp xếp lại đội ngũ biên chế theo vị trí việc làm, đảm bảo tinh gọn; nếu dôi dư nhân sự sẽ điều chuyển sang những cơ quan, đơn vị trong huyện đang thiếu biên chế. Mục đích cuối cùng của việc sáp nhập là nâng cao hiệu quả hoạt động, khắc phục những hạn chế, bất cập ở 2 đơn vị cũ…

 

Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Vũ Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc sáp nhập 2 đơn vị sự nghiệp như ở huyện Võ Nhai là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Trung ương. Tuy vậy, vì Võ Nhai là địa phương đầu tiên trong tỉnh xúc tiến đề nghị sáp nhập 2 đơn vị này, lại không có văn bản quy định cụ thể nên cần thận trọng, đảm bảo đúng các quy định hiện hành. Khi nhận được đề nghị của huyện, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan sẽ thẩm định Đề án, có thể phải xin ý kiến của Bộ VH-TT và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, trước khi trình UBND tỉnh quyết định.