Sinh hoạt hè ngày ấy và bây giờ

10:40, 05/06/2017

Với lũ học trò thế hệ 7X và 8X như chúng tôi, nghỉ hè là chuỗi ngày được vui chơi thỏa thích với các trò chơi như: chuyền, nhảy lò cò, ô ăn quan; được về quê thăm ông bà nội, ngoại… Thích nhất là những sáng hò nhau đi tập thể dục và những buổi tối các anh, chị phụ trách tổ chức sinh hoạt hè.

Hồi ấy, việc tập thể dục buổi sáng của chúng tôi được duy trì rất đều đặn, từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần. Sáng nào cũng vậy, cứ 5 giờ 30 phút là các anh, chị phụ trách đã có mặt để hướng dẫn chúng tôi dàn hàng và nắn chỉnh các động tác của bài tập. Lũ trẻ chúng tôi tham gia các buổi tập thể dục rất đầy đủ, chỉ hôm nào trời mưa to, gió lớn, buổi tập mới bị hoãn...

 

Trong 1 tuần, chúng tôi thích nhất là tối chủ nhật vì hôm đó các anh, chị phụ trách tổ chức sinh hoạt hè. Chưa đến 19 giờ mà đứa nào, đứa nấy đã cơm nước xong xuôi, áo quần chỉnh tề nô nức kéo nhau ra bãi đất rộng ở đầu xóm để tham gia buổi sinh hoạt. Không có giàn âm li, loa đài, mi-cờ-rô, đàn ooc-gan, chẳng có đàn ghi ta mà sao chúng tôi thấy các tiết mục hát, múa hay đến thế. Rồi những câu đố vui của các anh, chị phụ trách nữa, cũng được hàng loạt cánh tay xung phong trả lời… Loáng cái đã đến 22 giờ, buổi sinh hoạt kết thúc trong sự tiếc nuối. Lũ trẻ chúng tôi lại háo hức chờ đến buổi sinh hoạt của tuần sau… Các anh, chị phụ trách rất tâm huyết, mỗi buổi sinh hoạt lại có một chủ đề riêng, tuần này tổ chức văn nghệ với chủ đề Hát gọi hè về; tuần sau tổ chức đố vui; tuần kế tiếp tổ chức các trò chơi dân gian, khi thì kéo co, lúc thì bịt mắt bắt dê, thả đỉa ba ba… nên buổi sinh hoạt nào cũng diễn ra rôm rả. Cứ thế, một mùa hè của chúng tôi đi qua đầy vui tươi, bổ ích và yên bình. Dù xóm tôi gần kề sông Cầu nhưng không có đứa trẻ nào trốn bố mẹ ra sông tắm những buổi trưa hè, không có tình trạng trẻ em thiệt mạng do đuối nước; cũng chẳng có đứa trẻ nào “tự kỷ” tự nhốt mình trong nhà suốt cả ngày…

 

Gần 30 năm đã trôi qua, giờ đây, những buổi sinh hoạt hè sôi động và vui tươi của cái thời bao cấp khó khăn ấy chỉ còn là kỷ niệm. Ngày nay, cuộc sống đủ đầy hơn, sung túc hơn nhưng những hoạt động trong dịp hè ở các xóm, bản, tổ dân phố lại có vẻ trầm lắng hơn và không thu hút được lũ trẻ tham gia. Cháu Dương Quốc Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Du, hiện đang cư trú tại tổ 13, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Các anh, chị phụ trách cũng tổ chức cho chúng cháu tập thể dục vào các buổi sáng và sinh hoạt vào các tối thứ 5 hằng tuần nhưng rất ít bạn tham gia. Có bạn, cả dịp hè chỉ tham gia tập thể dục buổi sáng và sinh hoạt 3, 4 buổi.

 

Kết thúc năm học 2016-2017, có gần 300 nghìn học sinh của trên 670 trường (từ bậc học mầm non đến THPT) được gửi về địa phương. Để tạo sân chơi bổ ích cho các em rất cần sự sáng tạo và nhiệt huyết của tổ chức đoàn thanh niên ở các xóm, bản, tổ dân phố.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết tình trạng này không chỉ xảy ra ở tổ dân phố 13 mà còn diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Chị Lê Thanh Thủy, giáo viên Trường tiểu học Đội Cấn (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Trẻ em ngày nay không hứng thú với các buổi sinh hoạt hè bởi chúng có nhiều mối bận tâm khác. Với trẻ em ở thành thị, chúng thích làm bạn với ti vi ti vi, Ipad hoặc máy vi tính để chơi game online hơn là tham gia các hoạt động sinh hoạt hè ở tổ dân phố. Nhiều em, trong dịp hè, bố mẹ còn bắt đi học thêm các môn văn hóa, có buổi học thêm trùng với buổi sinh hoạt hè của tổ dân phố nên các em không thể tham gia sinh hoạt cùng với các bạn. Còn với trẻ em nông thôn, hè là thời điểm bọn trẻ được chơi “thả ga” với những trò chơi như chèo cây hái quả; xuống hồ, sông, suối bơi lội, câu cá… nên chúng sẽ thấy những buổi sinh hoạt hè trở nên nhàm chán.

 

Một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ không “mặn mà” với các buổi sinh hoạt hè còn bởi nội dung các buổi sinh hoạt chưa phong phú, hấp dẫn. Cháu Trịnh Quỳnh Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Trung (T.P Thái Nguyên), hiện cư trú tại tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Cháu thấy hoạt động sinh hoạt hè ở tổ dân phố không có sự đổi mới. Các buổi sinh hoạt diễn ra nhàm chán với các nội dung như hát vài bài hát tập thể, kể truyện…

 

Bởi vậy, để hoạt động sinh hoạt hè tại các xóm, bản, tổ dân phố thu hút con trẻ, Đoàn thanh niên các cấp cần phối hợp với các nhà trường, các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hơn nữa các sân chơi hè cho trẻ em, bảo đảm tiêu chí vui, khỏe, an toàn, bổ ích kết hợp với bổ trợ văn hóa và rèn luyện thể lực tăng cường sức khỏe. Khôi phục lại những trò chơi dân gian như: nhảy lò cò, chơi ô ăn quan, chơi chuyền, chơi trốn tìm... vừa mang tính tập thể cao, vừa tạo sự gắn kết các em ở cùng nơi cư trú. Những hoạt động cần kinh phí thì kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và phụ huynh. Ở những vùng khó khăn, vùng xa, Đoàn Thanh niên càng phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để tổ chức sân chơi hè miễn phí cho trẻ em như phổ cập bơi; giáo dục kỹ năng sống; các cuộc thi văn hóa, văn nghệ; tổ chức cho học sinh ôn luyện kiến thức cũ, làm quen kiến thức mới… Đặc biệt, các đối tượng trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống càng cần được quan tâm nhiều hơn.

 

Về phía phụ huynh cũng cần quan tậm, động viên con em mình tham gia các buổi sinh hoạt hè đầy đủ, không nên bắt trẻ học thêm quá nhiều các môn văn hóa trong kỳ nghỉ hè để các cháu có điều kiện tham gia hoạt động tập thể ở địa phương.