Hè này, thay vì “xả hơi” bằng các chuyến du lịch cùng người thân và nghỉ ngơi tại gia sau những chuỗi ngày học hành vất vả, nhiều sinh viên đang học tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh lại dành thời gian để đi làm thêm hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện.
Làm thêm là lựa chọn số 1 của phần đông các bạn sinh viên với các công việc như: phục vụ bàn tại các nhà hàng, quán ăn; làm nhân viên bảo vệ, chạy xe ôm, chạy bàn tiệc cưới, đi tiếp thị hoặc giúp việc theo giờ. Đặc biệt nhiều bạn trẻ còn vận dụng kiến thức đã được học trên giảng đường để áp dụng thực tế công việc làm thêm của mình. Đơn cử như sinh viên Nguyễn Văn Tường, lớp Thú y 48, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, đã chọn cho mình công việc là làm công nhân tiêm phòng cho gia cầm theo giờ trong các trang trại lớn, mỗi buổi nhận được 50 nghìn đồng tiền công. Tường cho biết: Sau quá trình học tập trên lớp, đây là khoảng thời gian giúp em nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong môi trường thực tế. Hơn nữa, khi đi làm thêm, em càng trân trọng những đồng tiền kiếm được từ sức lao động của mình, biết sẻ chia những vất vả khó nhọc với mẹ cha và nhận thấy mình trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Khác với Tường, Hoàng Thị Thu Hà, sinh viên Trường Đại học Công nghệ Thông tin Thái Nguyên lại lựa chọn công việc làm thêm trong dịp hè là đi làm thuê cho các đơn vị tổ chức sự kiện (còn gọi là nhân viên PG). Đây là công việc dành cho những bạn nữ có ngoại hình ưa nhìn để làm đại diện cho một dòng sản phẩm hay các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm... Để tuyển chọn gương mặt đại diện cho một thương hiệu đòi hỏi nhà tuyển dụng phải sàng lọc rất khắt khe yếu tố đầu tiên là ngoại hình, sau đó là khả năng giao tiếp tốt như thái độ thân thiện, giọng nói truyền cảm. Thu Hà cho hay: Tiếng Anh cũng là một phương tiện cần thiết để bổ trợ cho công việc của tôi. Đi làm các chương trình sự kiện, tôi vừa có cơ hội phát huy thế mạnh của bản thân trong giao tiếp, nhất là trong giao tiếp tiếng Anh, vừa có cơ hội trau dồi các kỹ năng “mềm” cần thiết. Tiền thu nhập từ mỗi chương trình tùy thuộc vào ngoại hình và các trình độ khác như tiếng anh, khả năng MC… Mỗi sự kiện, tôi sẽ được trả từ 200 - 500 nghìn đồng, thu nhập trung bình được 3 - 4 triệu đồng/tháng.
Khác với Tường và Hà, nhiều sinh viên đi làm thêm không nhằm mục đích kiếm thêm thu nhập. Lại Ngọc Hải, sinh viên Khoa Răng Hàm Mặt, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên là một ví dụ. Hải chia sẻ: Nghề Y là một nghề phải theo sự học suốt đời. Để trở thành một bác sĩ giỏi cần cập nhật kiến thức mới liên tục. Bởi vậy, mỗi kỳ nghỉ hè, ngoài việc đăng ký học thêm các môn chuyên ngành tại trường, tôi thường xin làm thêm không lương tại các phòng khám nha khoa trên địa bàn T.P Thái Nguyên để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm khám, điều trị cho bệnh nhân, nhất là sau khi tôi tốt nghiệp ra trường và đi làm.
Ngoài làm thêm, nhiều sinh viên lại đăng ký tham gia những hoạt động tình nguyện ngày hè. Sinh viên Đỗ Tiến Anh, Khoa Thú y, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Môi trường của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã lên kế hoạch là dành cả mùa hè này để tham gia các hoạt động tình nguyện như: Mùa hè xanh; hành trình đỏ; tiếp sức mùa thi… Đỗ Tiến Anh chia sẻ: Chúng tôi vừa thực hiện chương trình đạp xe đến 3 xóm: Bà Đanh, Na Ca, Ao Sơn của xã Minh Lập (Đồng Hỷ). Chúng tôi đã giúp người dân thu góp và xử lý các loại rác thải sinh hoạt; các loại nông dược trên đồi chè, dưới đồng ruộng như túi ni-lon, chai nhựa, chai thủy tinh đựng thuốc bảo vệ thực vật... Bằng hoạt động thiết thực này, tôi và các bạn của mình mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình làm thay đổi nhận thức người dân về ý thức bảo vệ môi trường sống.
Còn sinh viên Nguyễn Thanh Huyền, sinh viên Khoa Điều Dưỡng, Đại học Y Dược Thái Nguyên cho hay: Hè này,em tham gia các hoạt động tình nguyện trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Thông qua các hoạt động tình nguyện đã tạo cơ hội cho em được tiếp xúc với những con người mới; học hỏi được những kỹ năng mới như: gây quỹ xin tài trợ, dự thảo ngân sách, kỹ năng giao tiếp… Được tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân ở vùng nông thôn, tôi thấy mình phải có trách nhiệm cống hiến sức trẻ cho xã hội, chúng tay góp sức giúp đỡ những người dân ở những vùng còn nhiều gian khó.
Làm thêm, tham gia các hoạn động có nhiều hữu ích với sinh viên, tuy nhiên, không phải lúc nào mọi công việc và hoạt động cũng thuận buồm xuôi gió. Những lúc không xin được tài trợ, Đỗ Tiến Anh cùng các bạn tình nguyện viên trong nhóm lại phải tự ứng tiền túi của mình để đóng góp. Công việc làm thêm tại phòng khám của Lại Ngọc Hải thì lại cần có khả năng ứng biến và không được để sơ suất dù nhỏ... Tuy nhiên tất cả các hoạt động trên lại mang đến cho các bạn sinh viên cơ hội cọ xát với cuộc sống, trang bị cho mình nền tảng vững chắc sau khi ra trường.