Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biễn phức tạp. Giới y học đã phát hiện nhiều loại vi rút gây bệnh nguy hiểm cho người và động vật. Chỉ riêng các loại vi rút Arbo tính đến nay đã phát hiện được 150/530 loại gây bệnh cho người và động vật.
Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia… nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do vi rút Arbo gây ra, trong đó phải kể đến các loại bệnh truyền từ muỗi Aedes như sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt, bên cạnh bệnh sốt xuất huyết Dengue, năm 2016, một loại bệnh khác có cùng véc tơ từ muỗi Aedes đã trở thành vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, đó là bệnh do vi rút Zika. Tại Việt Nam, năm 2016 đã ghi nhận 219 ca mắc Zika, trong đó có một ca mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan tới vi rút Zika.
Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay có trên 2,5 tỷ người, chiếm trên 40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam và các nước khu vực ASEAN là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh sốt xuất huyết.
Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Vì vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết chủ yếu dựa vào phòng chống véc tơ. Các nước có dịch lưu hành đã tập trung đầu tư nhiều nguồn lực tuy nhiên kết quả vẫn còn rất hạn chế. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, hiện tượng El Nino, các phương tiện giao thông, đô thị hoá không kiểm soát và di biến động dân cư làm cho công tác phòng chống sốt xuất huyết càng trở nên khó khăn.
Cùng với đó, bệnh do vi rút Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên phạm vi toàn cầu. Đến nay đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành hoặc lây truyền của vi rút Zika. 13 quốc gia đưa ra bằng chứng có sự lây truyền từ người sang người. 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trẻ mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến vi rút Zika.