Tăng cường quản lý các loài ngoại lai xâm hại

09:17, 11/06/2017

Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhiều loài ngoại lai xâm hại đã xâm nhập vào nước ta bằng các con đường, hình thức khác nhau. Chúng sinh sôi nảy nở, phát triển quần thể rất nhanh, phá vỡ, làm mất cân bằng sinh thái, lấn át nguồn gen bản địa, gây ra những hậu quả lớn về môi trường và đa dạng sinh học.

Hiện nay, Việt Nam có 25 loài ngoại lai xâm hại bao gồm: 4 loài vi sinh vật, 5 loài động vật không có xương sống, 6 loài cá, hai loài lưỡng cư bò sát, một loài chim và 7 loài thực vật. Bên cạnh đó, 15 loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã từng xuất hiện ở Việt Nam và tiềm ẩn 41 loài sinh vật ngoại lai xâm hại chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Các loài ngoại lai xâm hại có sức sống và cạnh tranh mạnh, chúng thường lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sự xâm lấn của các loài ngoại lai xâm hại có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, thậm chí làm tuyệt chủng nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.

 

Các loài ngoại lai có ngoại lai xâm hại có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách. Chúng có thể đi theo con đường tự nhiên như gió, dòng nước biển và bám theo các loài di cư, nhưng chủ yếu là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã vô tình hay hữu ý mang theo các loài ngoại lai xâm hại. Nguy cơ tiềm ẩn có nhiều khi chúng phát triển đến mức độ đỉnh điểm, mất cân bằng trong chuỗi thức ăn, có thể bùng phát cạnh tranh, tiêu diệt các loại sinh vật bản địa hoặc mùa màng.

 

Tùy thuộc vào đặc tính sinh trưởng của loài ngoại lai xâm hại, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mà áp dụng các biện pháp quản lý, phòng ngừa khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các quy định về xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật về thả, gây nuôi hoặc phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Đó là các quy định: Nghị định số 155/2016 ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư số 53/2009 ngày 21/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý các loài thủy sinh ngoại lai. Việt Nam có thể dựa theo nguyên tắc chung của thế giới hướng dẫn cho việc quản lý các loài ngoại lai xâm hại gồm 6 bước: Xác định phạm vi, mức độ xuất hiện, tập quán sinh sống, tác dụng, tác hại, mức độ tác động đến môi trường; Xác định biện pháp quản lý hợp lý, phù hợp và biện pháp phục hồi môi trường; Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý; Giám sát các hoạt động quản lý, thực hành; Giám sát kết quả của việc phòng trừ sau khi đã áp dụng các biện pháp; Báo cáo, tổng kết công tác quản lý của dự án triển khai.

 

Trong một số trường hợp, sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại nhằm phục vụ lợi ích kinh tế hoặc các hoạt động khác, như nhập khẩu để sản xuất lấy thực phẩm, làm cảnh thậm chí là phục vụ đa dạng sinh học, cần phải có biện pháp kiểm soát đầu vào các loài ngoại lai xâm hại. Quá trình kiểm dịch động thực vật và các sản phẩm sinh học phải được tiến hành đánh giá nghiêm túc về tác động của các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại đối với môi trường sinh thái. Đặc biệt, cơ quan chức năng phải có các quan trắc, tính toán các nguy cơ ảnh hưởng của các loài ngoại lai xâm hại đến môi trường sinh thái của Việt Nam trước khi cho phép nhập khẩu.

 

Đối với các loài ngoại lai xâm hại đã có mặt ở Việt Nam, cơ quan chức năng cần có thông tin đầy đủ về hiện trạng phân bố và sinh sống, động thái, xu hướng phát triển của chúng, từ đó dự báo sự hoạt động của chúng, có các giải pháp như nhận biết, khoanh vùng, đề xuất biện pháp diệt trừ, quản lý sau diệt trừ… Đặc biệt, đối với loài ngoại lai phân bố rộng và ở các địa hình phức tạp, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao vào thu thập sự phân bố của loài. Từ đó, xây dựng các phương án khoanh vùng và diệt trừ hiệu quả... Ngoài ra, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ gây hại của các loài ngoại lai xâm hại, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, an ninh an toàn sinh vật.