Đối với trẻ em ở thành thị, hè là dịp các em được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học bằng nhiều loại hình vui chơi, giải trí đa dạng. Nhưng với trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hè lại là thời gian tranh thủ phụ giúp bố mẹ, sân chơi dành cho các em còn quá xa vời…
Đến xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) vào những ngày nắng nóng cuối tháng 6, chúng tôi không khỏi xót xa khi thường xuyên bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé người Mông đen nhẻm, đầu trần, chân đất đang oằn lưng cõng củi. Thấy người lạ, các em ngần ngại bảo nhau rảo bước. Đi theo một đoạn, gặng hỏi chuyện, em Hoàng Văn Sính mới mở lời: “Kể từ lúc được nghỉ hè, ngày nào em cũng theo bố mẹ lên rừng, hôm thì kiếm củi, hôm hái rau, quả. Em hy vọng sẽ đỡ đần phần nào vất vả cho bố mẹ để năm học mới có đủ tiền mua sách vở cho em tiếp tục đi học”. Vừa dứt lời, đám trẻ lại tiếp tục bước đi với gùi củi to hơn người đeo trên lưng. Chả mấy chốc, bóng dáng liêu xiêu, nhỏ bé của các em lặn khuất sau những lùm cây.
Ông Ma Hành Du, Trưởng xóm Lũng Cà cho biết: “Lũng Cà là một trong 3 xóm khó khăn nhất của xã Thượng Nung. Xóm có 34 hộ dân với phần đông là đồng bào dân tộc Mông. Đời sống nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, bà con lo ăn còn chưa đủ nói gì đến lo chơi cho lũ trẻ. Trẻ con tầm tuổi tiểu học thì ở nhà trông em, những đứa khoảng 10 tuổi trở lên là phải đi theo phụ giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ, lấy củi, thu lượm nông sản. Nói là 3 tháng nghỉ hè nhưng đây gần như trở thành mùa lao động, phụ giúp kinh tế gia đình của chúng”. Lúc rảnh rỗi, trò chơi của các em chỉ là những trò tự biên, tự diễn với đất, đá, cây cỏ. Thậm chí do thiếu sân chơi, nhiều em còn tìm đến khe suối, bờ sông để tắm, leo trèo cây cối làm trò giải trí trong ngày hè. Những trò chơi tự phát này luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích, những rủi ro đáng tiếc mà hậu quả không lường trước được. Có được một sân chơi đúng nghĩa, lành mạnh, bổ ích luôn là ước mơ đối với trẻ em nơi đây.
Việc tạo ra những hoạt động tập thể ngày hè cho thiếu nhi ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa không chỉ để các em được vui chơi thỏa thích, mà còn là cơ hội để các em học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và mạnh dạn hơn. Trao đổi với chúng tôi về việc tạo sân chơi cho trẻ em trong những ngày hè, chị Mông Thị Tuyết Nhung, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai cho biết: Vì điều kiện địa hình phức tạp, dân cư sống thưa thớt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc tập hợp, duy trì tổ chức sinh hoạt hè cho thiếu nhi ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa trong huyện gặp nhiều khó khăn. Để quản lý, giáo dục thiếu nhi trong dịp hè, Huyện đoàn đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp với cán bộ thôn, xóm tích cực tuyên truyền, vận động gia đình quản lý tốt các em khi ở nhà, tránh không để tình trạng đáng tiếc xảy ra; trong mỗi buổi sinh hoạt tổ chức những trò chơi lý thú lồng ghép với việc tuyên truyền cho các em kiến thức về giới tính, an toàn giao thông và pháp luật, phổ biến các kỹ năng an toàn… Bên cạnh đó, vào mỗi dịp hè, được sự quan tâm, sẻ chia từ các bạn sinh viên tình nguyện các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức một số hoạt động vui chơi cho thiếu nhi ở một số xóm, bản vùng cao. Những hoạt động này tuy còn ít và chưa được đồng đều nhưng phần nào giúp các em cảm nhận, trải nghiệm một sân chơi bổ ích, lành mạnh.
Thực tế cho thấy, trẻ em rất cần một sân chơi đúng nghĩa trong dịp hè. Việc tổ chức sân chơi và hoạt động hè cho trẻ em, đặc biệt là trẻ vùng cao rất cần sự phối hợp từ phía gia đình, các tổ chức đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Mong rằng, các em nhỏ sẽ được tham gia vào nhiều loại hình sinh hoạt bổ ích, để thực sự có một mùa hè vui tươi, lành mạnh và an toàn.