Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đưa “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 trong nhà trường. Bởi thế, thời gian gần đây, các trường trên địa bàn tỉnh ồ ạt tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, sáng tạo. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ dừng lại ở việc tham quan, du lịch mà chưa phải “trải nghiệm sáng tạo”.
Trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình “hoạt động trải nghiệm sáng tạo” của Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định, không gọi đây là môn học mà là hoạt động giáo dục. Hoạt động giáo dục nhằm phát triển những phẩm chất, nhân cách, kỹ năng sống hay là năng lực tâm lý xã hội giúp con người có thể thích nghi, thích ứng với xã hội, làm chủ bản thân, biết sống tích cực... Theo cách hiểu đó, hoạt động giáo dục trong chương trình phổ thông có tên gọi là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Như vậy, hoạt động trải nghiệm có những hướng mở để phù hợp hơn với điều kiện giáo dục ở nhà trường phổ thông khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cán bộ quản lý ở các trường phổ thông cho rằng trải nghiệm sáng tạo là đưa học sinh ra ngoài phạm vi của nhà trường như đi tham quan, du lịch. Đó là suy nghĩ chưa đúng. Thực tế, nhiều trường tổ chức đưa học sinh đi trải nghiệm sáng tạo nhưng chỉ dừng lại ở việc tham quan, du lịch. Ngoài việc tổ chức các chuyến đi rất vất vả, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng cách tổ chức chẳng ai giống ai, việc thu tiền cũng rất tùy tiện. Một giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn T.P Thái Nguyên nói như tâm sự: Hai năm học vừa qua, rất nhiều trường trên địa bàn T.P Thái Nguyên tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm sáng tạo, trường tôi dạy cũng như trường con tôi học đều tổ chức hoạt động này. Nhưng tôi thấy việc làm này không hiệu quả, không đúng ý nghĩa trải nghiệm, tổ chức theo phong trào. Hầu như các trường đều tổ chức cho học sinh đi về trong ngày. Như thế, thời gian tập kết học sinh, đi về đã chiếm gần nửa ngày. Nơi đến trải nghiệm đa phần là các khu du lịch, nghỉ dưỡng như: Khu du lịch Đảo ngọc xanh, Khu du lịch Ao Vua, khu du lịch Bản Rõm… Đến đây, thời gian ngắn, các em chỉ đi dạo thăm thú, cùng lắm là tham gia một vài trò chơi rồi… lên xe về. Như vậy, chưa đạt được mục tiêu là trải nghiệm cũng như rèn kỹ năng sống….
Huyện Phú Bình là địa phương có rất nhiều trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, sáng tạo. Qua trao đổi với một số thầy cô, chúng tôi cũng nhận được ý kiến rất thẳng thắn, khách quan. Theo cô Nguyễn Thị T. (xin được giấu tên): Trường tôi mỗi học sinh đi trải nghiệm đóng góp 330 nghìn đồng gồm tiền xe, tiền ăn, vé thăm quan. Thương nhất là các em học sinh thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn không có tiền đóng, có em đã khóc vì tủi thân, nhưng thầy cô cũng không thể giúp gì được. Nếu nói cho các cháu đi tham quan thì đúng hơn là trải nghiệm, sáng tạo. Vì trải nghiệm sáng tạo phải có chương trình riêng, đặt ra mục tiêu, các nhiệm vụ mà học sinh cần đạt được. Còn đây thì chỉ là tổ chức cho các em đến 1 điểm du lịch thăm thú, mà không tổ chức được hoạt động nào thực sự gọi là “trải nghiệm, sáng tạo”. Chưa kể sau khi về còn nhiều câu chuyện phải bàn như: đặt ăn giá đắt, không hợp khẩu vị. Rồi cũng nhiều ý kiến về việc số lượng học sinh tham gia lớn thì cán bộ quản lý các nhà trường có được hưởng chiết khấu phần trăm từ vé du lịch, thuê xe…?.
Khi trao đổi về việc tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, một phụ huynh học sinh thẳng thắn: Chúng tôi rất ủng hộ nhà trường nếu tổ chức tốt hoạt động này. Song các nhà trường phải tổ chức bài bản, chặt chẽ theo đúng định hướng của ngành, tránh việc tổ chức ào ạt khiến phụ huynh nghĩ nhà trường làm dịch vụ, mất hết hình ảnh của các thầy, cô. Đơn cử như ở lớp con tôi học, khi cô giáo họp phụ huynh đề nghị tổ chức cho các cháu đi trải nghiệm, chúng tôi đều nhất trí. Song khi nói đến số tiền đóng góp là 800 nghìn đồng/cháu, thời gian đi 1 ngày, nhiều phụ huynh ý kiến là số tiền quá cao. Cô giáo chủ nhiệm nói rằng đã có sự thống nhất chương trình và thông tin đến các em học sinh cả địa điểm đi. Khi biểu quyết, nhiều phụ huynh không đồng tình thì cô giáo có vẻ không hài lòng!.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên thì hoạt động trải nghiệm sáng tạo không nhất thiết phải đưa học sinh ra ngoài trường học. Có nhiều hình thức phong phú có thể cho phép học sinh trải nghiệm ở các cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất chính là sáng tạo. Trước hết, cần phải đánh giá nhu cầu của học sinh để thiết kế hoạt động (khác với chương trình có sẵn, giáo viên và học sinh cứ thế thực hiện). Ở đây, các giáo viên phải tìm cách dung hòa được giữa nhu cầu người học và sự định hướng của giáo viên. Thứ hai là việc học sinh tham gia như thế nào trong tất cả các khâu. Thứ ba là đánh giá, trong đó phải ưu tiên việc tự đánh giá: học sinh tự đánh giá việc làm của mình, bảo vệ thành quả mình làm được, và học sinh đánh giá chéo đối với học sinh. Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo phải gắn với nội dung từng môn học như là một phương pháp dạy học, còn là một hoạt động mang tính giáo dục xuyên môn hoặc liên môn. Để hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức theo đúng mục tiêu mà Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đề ra, Sở Giáo dục & Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể các nhà trường trong khâu tổ chức, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tránh tình trạng như hiện nay.