Không phải cấp quản lý hành chính nhưng xóm, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tỉnh có nhiều chức danh không chuyên trách được hưởng phụ cấp hằng tháng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Xóm, TDP cũng bất cập khi quy mô nhỏ hay lớn đều có đủ chức danh khiến bộ máy hành chính phình to, lãng phí nguồn lực. Do vậy, việc chuẩn hoá quy mô xóm, TDP để quản lý hiệu quả và bố trí cán bộ phù hợp là yêu cầu khẩn thiết…
Theo thống kê của ngành Nội vụ, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.024 xóm, TDP với quy mô trung bình là 85 hộ/xóm và 92 hộ/tổ dân phố. Quy mô số hộ ở cấp xóm, TDP của tỉnh ở mức trung bình so với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc nhưng thấp hơn nhiều so với khu vực đồng bằng Sông Hồng. Đặc biệt, là sự chênh lệch về quy mô số hộ dân giữa các xóm, TDP trong tỉnh đang rất lớn. Cụ thể, chỉ có 4 xóm trong tỉnh có quy mô trên 300 hộ dân, 7 TDP có trên 200 hộ dân. Trong khi đó, quy mô từ 30 hộ đến 50 hộ dân có tới 411 xóm. Cá biệt là xóm Trại Mới của xã Tân Khánh (huyện Phú Bình) chỉ có 8 hộ dân, TDP 38, thị trấn Chùa Hang (huyện Đồng Hỷ) có 25 hộ dân. Đối với TDP không quá chênh lệch về quy mô số hộ như xóm nhưng vẫn có tới 261 TDP có dưới 80 hộ dân…
Sự khác biệt quá lớn về quy mô xóm, tổ dân phố cũng nảy sinh nhiều bất cập. Nơi quy mô số hộ quá lớn thì khả năng điều hành, giải quyết công việc của chi uỷ, ban công tác mặt trận quá sức vì thiếu cán bộ, phụ cấp trách nhiệm không tương xứng. Đơn cử như xóm Trung, xã Điềm Thuỵ (Phú Bình) có tới 432 hộ dân nên các danh bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể đều nhiều việc nhưng cũng chỉ được hưởng phụ cấp mức 1,2 hệ số lương cơ bản. Ngược lại, ở những nơi ít hộ dân vẫn có các chức danh cán bộ cấp xóm nhưng công việc chủ yếu là tập trung tổ chức vài sự kiện như: Vui Tết Trung thu cho thiếu nhi, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, chúc thọ cho các cụ cao tuổi, kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam... nhưng phụ cấp được hưởng hằng tháng thấp hơn so với xóm loại 1 chút ít.
Từ những bất cập nêu trên, đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định về việc phân loại xóm, TDP trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đã có văn bản gửi các xã, phường, thị trấn tham gia ý kiến vào dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của xóm, TDP trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy mô số hộ gia đình đối với xóm ở xã vùng cao phải có từ trên 80 hộ dân trở lên, xóm ở xã miền núi phải có từ 100 hộ dân trở lên. Đối với TDP, Sở Nội vụ đưa ra 3 phương án, gồm: ở thị trấn vùng cao phải có từ 120 hộ trở lên, ở thị trấn miền núi phải có từ 150 hộ trở lên, TDP ở đơn vị hành chính còn lại phải có từ 250 hộ trở lên. Ông Nguyễn Đức Tôn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ lý giải về việc đưa ra quy mô xóm, TDP theo chuẩn như trên: Quy mô xóm, TDP ở tỉnh ta nhỏ hơn với các địa phương phụ cận T.P Hà Nội. Số hộ ở xóm, TDP nhỏ thuận lợi cho cán bộ cơ sở trong công tác quản lý vì ít việc nhưng bất cập là đầu mối nhiều nên phải tăng thêm cán bộ, kinh phí trả phụ cấp tăng theo. Căn cứ các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản về phân loại quy mô xóm, TDP trên địa bàn và đã lấy ý kiến đóng góp của 36 xã, phường, thị trấn của cả 9 huyện, thành, thị.
Cơ bản lãnh đạo các xã, phường, thị trấn khi triển khai lấy ý kiến về việc phân loại, xây dựng tiêu chí, quy mô xóm, TDP đều đồng tình với các mức mà Sở Nội vụ đưa ra. Ông Đặng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND Phan Đình Phùng có ý kiến: Từ thực tế địa phương, chúng tôi thấy việc bố trí lại để tăng quy mô TDP là cần thiết và thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Lợi ích đầu tiên là giảm được đầu mối từ đó giảm được lực lượng cán bộ bán chuyên trách ở cơ sở. Ít đầu mối nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cấp phường với TDP cũng tập trung hơn. Cái khó là cần rà soát, chọn lựa để tìm được nhân sự ở TDP thực sự có năng lực, tâm huyết. Việc nâng quy mô xóm có khó hơn so với TDP nhưng lãnh đạo các xã khi được tham gia ý kiến vào dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của xóm, TDP trên địa bàn tỉnh đều đồng tình nhưng kiến nghị ngành chức năng các cấp khi triển khai cần tuyên truyền thật kỹ để người dân nhận thấy lợi ích khi sáp nhập các xóm nhỏ lại với nhau. Lý do lãnh đạo các xã đưa ra là cộng đồng dân cư ở nông thôn thường được tổ chức theo huyết thống gia đình, dòng họ hoặc những người có chung ngành nghề... nên ngại sự xáo trộn.
Việc nâng quy mô xóm, TDP theo chuẩn là cần thiết nhưng không đơn thuần là một biện pháp hành chính mà cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương nên xem xét toàn diện từ yêu tố văn hoá đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Như vậy, khi ngành chức năng của tỉnh triển khai việc chuẩn hoá quy mô xóm, TDP sẽ đúng luật, dân chủ và hiệu quả.