Dù từng chịu nhiều mất mát bởi sự hy sinh của người thân trong chiến tranh, một phần sức khỏe của bản thân nhưng, họ đã vượt qua nỗi đau để vững vàng vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” - Chúng tôi gọi các bà, các chị là những "người đàn bà thép”.
Nhìn cơ ngơi ruộng vườn của gia đình bà Hoàng Thị Thái ở xóm Làng Ngói, xã Cổ Lũng (Phú Lương) hiện nay, ít ai có thể ngờ rằng nó được gây dựng chỉ bởi một người phụ nữ quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Năm 1975, bà Thái nên duyên cùng ông Nguyễn Văn Thắng khi ông vừa trở về sau 4 năm ròng chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Bị ảnh hưởng của chất độc da cam nên ông Thắng đau yếu, bệnh tật liên miên, sức lao động ngày càng giảm sút. Do vậy, trong suốt hơn 40 năm qua, một tay bà Thái vừa lo vun vén việc nhà, nuôi dạy các con, vừa phát triển kinh tế gia đình.
Ông bà di cư từ Thái Bình lên xã Cổ Lũng năm 1983, xây dựng kinh tế. Tại đây, bà Thái chăm chỉ cày cuốc, trồng chè rồi làm thuê cho các hộ trong xóm, ai thuê gì bà cũng làm, không nề hà đó là việc cần sức vóc như vác củi, chặt cây hay đào đất. Từ những ngày tháng tích góp đó, từ chỗ trắng tay, bà Thái mua thêm đất để mở rộng trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, gia đình bà đã có hơn 1.000m2 đất trồng chè, cây ăn quả, hoa hòe và chăn nuôi 20 con lợn thịt, nuôi cá tổng hợp cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Thái còn nhiệt tình tham gia các phong trào tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn cho các hộ gia đình chính sách trong xóm. Bà bộc bạch: Tôi đã may mắn hơn nhiều người khác có người thân hy sinh trong chiến tranh. Mỗi lần nhìn chồng chịu đựng đau đớn do ảnh hưởng của chất độc da cam, tôi lại tự động viên mình vượt qua khó khăn.
Còn đối với bà Đỗ Thị Hồng Thủy, thương binh hạng 4/4, ở tổ 22, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên), những vết bỏng do tai nạn khi tham gia phục vụ quân đội vẫn hành hạ bà đến tận hôm nay. Nói về câu chuyện của mình, bà Thủy kể: Đó là một ngày đông cuối năm 1987. Khi đó, tôi đang công tác tại Cục Kỹ thuật (Quân khu I) với nhiệm vụ nuôi quân. Ngày ấy, chỉ có 5 người tham gia nấu ăn phục vụ tiểu đoàn hơn 400 người. Trong khi đang làm việc, tôi bị trượt chân và ngã vào chảo nước sôi nên bị bỏng. Bà Thủy không đếm được số lần vết thương nhiễm trùng, lở loét rồi những lần phải cắt thịt, vá da. Đến tận hôm nay, những vết thương vẫn tiếp tục hành hạ bà mỗi khi trái gió, trở trời. Năm 2004, sau khi nghỉ chế độ, bà lại tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Nhiều năm qua, với cương vị là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ tổ dân phố số 22, bà Thủy đã góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ tại địa phương. Với đặc thù đa số các chị em trong Chi hội đều là công chức, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bà Thủy đã cùng với Ban Chấp hành Chi hội thường xuyên chia sẻ, động viên chị em thực hiện tốt quy định của pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường… Gia đình bà trở thành tấm gương sáng trong mọi phong trào của địa phương.
Không giống như bà Thái hay bà Thủy, nỗi đau mất người thân trong chiến tranh đã dai dẳng trong chị Tạ Thị Loan, ở xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (Võ Nhai) từ khi còn rất nhỏ. Mẹ mất khi chị Loan mới 3 tuổi. Một năm sau đó, bố chị là liệt sĩ Tạ Quang Huynh, hy sinh năm 1969 tại chiến trường miền Nam. Phải sống nương nhờ họ hàng, chị Loan luôn có những suy nghĩ độc lập: Sự hy sinh của bố đối với gia đình tôi là một mất mát rất lớn nhưng tôi tin rằng ông đã luôn giữ một lòng tin son sắt vào Đảng, vào ngày chiến thắng nên mới không tiếc thân mình chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Vì vậy, tôi vẫn luôn giữ lòng tin đó của ông để vững bước trong suốt những năm sau này. Hiện nay, chị Loan đang là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Cao Lầm, một chi hội xuất sắc trong phòng trào phụ nữ của huyện Võ Nhai suốt nhiều năm qua. Không chỉ gương mẫu trong các phong trào thi đua, năm 2014, gia đình chị Loan còn tự nguyện hiến 320m2 đất để làm đường bê tông nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm nghìn người có công với cách mạng, trong đó rất nhiều phụ nữ là người trực tiếp, gián tiếp phải chịu những thương tổn do chiến tranh. Để giúp đỡ những phụ nữ là người có công, thân nhân của người có công, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều việc làm thiết thực, chăm lo cho các gia đình chính sách, như: nhận đỡ đầu, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm và tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng, xây dựng nhà Mái ấm tình thương… thông qua đó giúp hội viên phụ nữ được tiếp thêm động lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.