Mặc dù không phải là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, song trong những năm qua T.P Thái Nguyên luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo báo cáo của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội T.P Thái Nguyên, bình quân mỗi năm trên địa bàn thành phố giảm từ 0,5-1% số hộ nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 1,71%. Thành phố đưa ra mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,3%, hộ cận nghèo còn dưới 1%. |
T.P Thái Nguyên vừa tổ chức Lễ phát động quyên góp “Quỹ vì người nghèo” và “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”. Chứng kiến buổi quyên góp, chúng tôi thấy có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ với tinh thần tự nguyện. Ông Nguyễn Dũng Mạnh, Phó phòng Tổ chức của Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng trực tiếp đóng góp 20 triệu đồng vào nguồn quỹ chia sẻ: Chúng tôi rất vui khi được tham gia đóng góp số tiền trên, đây cũng là dịp để Công ty chúng tôi thể hiện nghĩa cử “Lá lành đùm lá rách”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên T.P Thái Nguyên tổ chức Lễ phát động quyên góp vào 2 nguồn quỹ nêu trên, mà là việc làm thường niên của thành phố. Theo lãnh đạo T.P Thái Nguyên, sở dĩ thành phố kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia vào chương trình là bởi mong muốn có thêm nguồn kinh phí để giúp đỡ những hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Theo báo cáo đánh giá công tác giảm nghèo của T.P Thái Nguyên giai đoạn 5 năm (từ năm 2010-2015), bằng các nguồn kinh phí huy động, đã có 8.233 lượt hộ nghèo trên địa bàn được cấp tiền cứu đói giáp hạt trong dịp Tết Nguyên đán, với số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ giáo dục cho 4.813 lượt học sinh nghèo, với tổng kinh phí 3,32 tỷ đồng; cấp thẻ khám chữa bệnh cho gần 26 nghìn lượt người nghèo, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng; 100 hộ nghèo được hỗ trợ nước sạch sinh hoạt miễn phí; 301 nhà ở dột nát của của hộ nghèo được xây mới, với tổng số tiền hỗ trợ gần 4 tỷ đồng. Anh Đặng Xuân Hữu, tổ 40, phường Phan Đình Phùng, được hỗ trợ xây Nhà đại đoàn kết từ năm 2016 chia sẻ: Gia đình tôi có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vợ bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời, một mình nuôi hai con nhỏ ăn học, bản thân tôi lại không có việc làm ổn định. Nếu không được thành phố quan tâm, hỗ trợ tiền làm nhà thì bố con tôi suốt đời phải chịu cảnh ở trong ngôi nhà dột nát.
Ngoài giúp đỡ trực tiếp, với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản để họ tự vươn lên thoát nghèo, thành phố cũng đã thực hiện tốt Đề án giảm nghèo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, phường triển khai cho các hộ nghèo được vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong 6 năm (từ 2010-2016) đã có 3.817 lượt hộ nghèo trên địa bàn được vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng; 2.395 lượt người nghèo được cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư. Chị Nguyễn Thị Lý, hội viên Hội Nông dân xã Đồng Bẩm chia sẻ: Gia đình tôi rất may mắn, trước đây là hộ nghèo, được tiếp cận với nguồn vốn thông qua kênh hội nông dân từ rất sớm, gia đình tôi đã dùng nguồn vốn để phát triển mô hình V.A.C, đến nay mô hình cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, nhờ đó mà gia đình tôi đã thoát nghèo.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn T.P Thái Nguyên giảm đáng kể hàng năm (nay chỉ còn 1,71 %). Tuy nhiên với việc nâng mức chuẩn nghèo như hiện nay, từ 700 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng/người/tháng ở khu vực thành thị thì các hộ nghèo và cận nghèo cần phải cố gắng rất nhiều vì nếu không sẽ lại rơi vào tình trạng tái nghèo. Bởi thế trong thời gian tới, để bảo vệ thành quả công tác giảm nghèo và tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, thành phố sẽ tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.