Dù nắng, hay mưa, cứ đúng 7h mỗi sáng, gần 50 người tự giác xếp hàng chờ được uống Methadone điều trị thay thế nghiện ma túy tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Họ đều có tiền sử nghiện ma túy và có người từng tiền án, tiền sự liên quan đến ma túy, nay tự nguyện điều trị, quyết tâm tìm lối trở về hòa nhập cộng đồng. Không ít cha, mẹ già, vợ trẻ ẵm con theo đến đây động viên, hỗ trợ người thân điều trị đúng liều, đúng giờ rồi đón về trong niềm hy vọng.
Ông Dương Văn Cường, trú tại phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên - bệnh nhân cao tuổi nhất trong số những người đến điều trị Methadone thẳng thắn vào chuyện: “Tôi năm nay đã bước qua tuổi 60. Nghiện ma túy từ thuốc phiện, đến hít heroin đã gần 30 năm. Cai đi, cai lại 5 lần, nhưng mỗi lần chỉ được vài tháng. Lần lâu nhất được 2 năm thì lại tái nghiện. Đã nghiện ma túy sau cai, chỉ thử lại một lần thôi là bao nhiêu công sức cai trước đó coi như đổ sông đổ bể… Giờ đã lên chức ông rồi, gia đình cũng kiệt quệ về kinh tế vì tôi nghiện ma túy. Thương vợ, con và cháu nhỏ, tôi quyết lần này nữa. Theo phác đồ điều trị thì sáng nào cũng phải uống thuốc, nên bất kể nắng hay mưa, tôi cũng đến theo đúng chỉ định của bác sĩ. Cái chính là không để phụ lòng người khác khi mình đã già rồi”.
Còn anh Phạm Công Dũng, trú tại tổ 5 phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đang điều trị Methadone cho hay: “Uống Methadone em thấy hiệu quả rất tốt, ngày đầu tiên em uống có cảm giác buồn ngủ thôi. Sau khi uống Methadone, em thấy không còn thèm ma túy nữa. Em mong muốn chương trình cần nhân rộng ra cho những người nghiện như em được sử dụng Methadone để dần dần từ bỏ ma túy, giúp tăng gia sản xuất, lao động… để kinh tế gia đình không còn khó khăn, gia đình tin tưởng và đoàn tụ. Em nghiện ma túy được 3 năm. Suốt 3 năm qua, vợ, con phải xa lánh em vì sợ em đòi tiền chơi ma túy. Bố, mẹ phải bán cả đất, xe máy… để trả nợ cho em. Em cũng đã từng cai một lần, nhưng rồi bạn bè lôi kéo lại sa ngã. Không có tiền, em đã tham gia mua bán ma túy, rồi bị bắt và phải chịu án cải tạo giam giữ hơn 4 năm”.
Cùng đi với Dũng là người vợ trẻ Nguyễn Ngọc Trang. Trang tâm sự: “Ngày nào em cũng phải theo anh ấy đến đây điều trị thuốc Methadone, không theo thì biết đâu trên đường đi gặp bạn, vui chén rượu, cốc bia dễ bị kích thích, không làm chủ bản thân lại sa ngã thì em mất chồng, con mất cha, gia đình ly tán”.
Các bệnh nhân tham gia chương trình Methadone, đều có một mục đích duy nhất là sẽ hòa nhập với cuộc sống và trở thành người có ích trong xã hội. Được vận hành dựa trên nguyên tắc điều trị tại cộng đồng, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Theo bác sĩ Lê Đức Hùng, Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy (Sở Lao động TB&XH) cho biết: Điều trị Methadone có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tiết kiệm được khoản tiền từ người sử dụng ma tuý hằng ngày, việc điều trị bằng Methadone còn mang lại các lợi ích khác như: giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giảm tình trạng tiêm chích ma túy, giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm lây qua đường máu như viêm gan B, C, giảm tử vong do sử dụng heroin quá liều. Tuy nhiên, điều trị bằng Methadone cần có sự giám sát hỗ trợ tích cực của gia đình. Chỉ cần không uống thuốc theo chỉ định, hoặc tự ý bỏ là gần như không tác dụng, nên nhiều gia đình thường xuyên đưa người thân đến uống Methadone, vừa là giám sát, vừa động viên đối tượng điều trị cai nghiện ma túy. Tại đây cũng đã từng tiếp nhận những người tái nghiện, sau điều trị Methadone rồi thử lại ma túy, mắc nghiện và điều trị lại từ đầu”.
Để có được hiệu quả bền vững trong việc điều trị thay thế bằng Methadone thì ngoài việc nỗ lực của các ngành chức năng thì điều quan trọng nhất là ý thức của từng bệnh nhân. Đặc biệt, cần có sự quan tâm hỗ trợ trong cộng đồng, sự động viên, giúp đỡ của gia đình người bệnh, tạo hành lang an toàn không ma túy và các chất kích thích xung quanh những người đang điều trị Methadone và cai nghiện ma túy.