Đừng để thất bại trong điều trị thuốc kháng HIV

15:27, 04/07/2017

Thất bại trong điều trị thuốc kháng HIV (ARV) bậc 1, bệnh nhân sẽ được chuyển sang điều trị theo phá đồ bậc 2. Điều này có nghĩa sẽ làm gia tăng các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình điều trị của bệnh nhân đồng thời cũng làm gia tăng mạnh chi phí điều trị.

Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tính lũy kế, toàn tỉnh có gần 9,6 nghìn người nhiễm HIV trong đó, trên 6,6 nghìn người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và gần 3,4 nghìn người đã tử vong. Trong tổng số 3 nghìn bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) trên địa bàn thì có tới gần 6% tỷ lệ bệnh nhân thất bại trong điều trị phác đồ bậc 1.

 

Tại Bệnh viện A - cơ sở tiếp nhận số lượng bệnh nhân nhiễm HIV đến điều trị lớn nhất tỉnh hiện có gần 1 nghìn bệnh nhân điều trị ARV ngoại trú trong đó có trên 40 bệnh nhân đã và đang hoàn tất quy trình xét nghiệm để chuyển sang điều trị ARV theo phác đồ bậc 2. Tính từ năm 2006 - năm bắt đầu đưa ARV vào điều trị cho người nhiễm HIV đến nay, Bệnh viện A đã điều trị cho gần 2 nghìn bệnh nhân. Năm 2011, sau 5 năm thực hiện điều trị ARV theo phác đồ bậc 1, Bệnh viện có bệnh nhân đầu tiên thất bại trong điều trị phải chuyển sang điều trị ARV theo phác đồ bậc 2 và số lượng các bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 tăng dần qua từng năm. Chị Trần.T.Q, 40 tuổi ở phường Thắng Lợi (T.P Sông Công) là một trong những bệnh nhân điều trị ARV theo phác đồ bậc 2 từ năm 2015 tại Bệnh viện A cho biết: Tôi điều trị ARV tại Bệnh viện A từ năm 2010. Sau 5 năm uống thuốc do không tuân thủ đúng, đủ quy trình sử dụng thuốc, nhiều lần quên không uống thuốc dẫn tới tình trạng HIV kháng thuốc ARV với biểu hiện lượng CD4 (chỉ số thay thế cho biết mức độ HIV đã phá hủy hệ miễn dịch) sụt giảm mạnh trong khi tải lượng HIV tăng cao dù tôi vẫn dùng ARV theo phác đồ bậc 1. Sau khi chuyển lên điều trị theo phác đồ bậc 2 từ tháng 10-2015 đến nay, sức khỏe tôi ổn định và lượng tế bào CD4 đã tăng trở lại.

 

Bác sĩ Chuyên khoa I Lương Minh Tuấn, Trưởng Khoa Da liễu, Phụ trách Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS, Bệnh viện A cho biết: Đến nay, đã có trên 30 bệnh nhân điều trị ARV tại Bệnh viện A phải điều trị theo phác đồ bậc 2 và khoảng 10 bệnh nhân đang làm các xét nghiệm cần thiết để chuyển sang điều trị theo phác đồ bậc 2. Theo bác sĩ Lương Minh Tuấn: So với những năm trước đây, hiện nay bệnh nhân bị kháng thuốc ở phác đồ điều trị ARV bậc 1 đều được phát hiện sớm qua việc xét nghiệm tải lượng virus định kỳ thường xuyên. Việc này giúp cho bệnh nhân nhanh chóng được chuyển sang điều trị với phác đồ bậc 2 mà không mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội do tải lượng virus tăng cao, tế bào CD4 giảm thấp khi thất bại trong điều trị ARV bậc 1 như trước đây.

 

Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, năm 2011, toàn tỉnh có 3 bệnh nhân điều trị ARV đầu tiên phải chuyển điều trị theo phác đồ bậc 2. Tính đến nay, toàn tỉnh có 101 bệnh nhân đang điều trị ARV theo phác đồ bậc 2, 78 bệnh nhân đang làm các xét nghiệm cần thiết để có thể chuyển liều điều trị sang phác đồ bậc 2. Sau gần 6 năm, lượng bệnh nhân đã tăng rất mạnh cho thấy tình trạng bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Hồ Thị Quỳnh Trang, Trưởng khoa Tư vấn, Chăm sóc, Điều trị HIV/AIDS (Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh) cho biết: Nguyên nhân bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 phần lớn do chủ quan của người bệnh không tuân thủ đúng, đủ quy trình sử dụng thuốc hoặc lây nhiễm chủng kháng thuốc từ người khác. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 là do kháng thuốc tự nhiên. Với mỗi bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 đều có thể dẫn tới hậu quả là tải lượng HIV tăng cao, trong khi lượng kháng thể CD4 giảm xuống khiến bệnh nhân mắc phải những bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thậm chí tử vong. Với mỗi bệnh nhân điều trị theo phác đồ bậc 2 không những có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình điều trị mà còn làm gia tăng chi phí điều trị. Tính trung bình, chi phí cho mỗi bệnh nhân điều trị ARV theo phác đồ bậc 1 vào khoảng 4 triệu đồng/năm thì chi phí cho mỗi bệnh nhân điều trị ARV theo phác đồ bậc 2 lên tới 28 triệu đồng/năm. Như vậy, nếu 78 bệnh nhân đang làm các xét nghiệm cần thiết đủ điều kiện chuyển liều điều trị sang phác đồ bậc 2 nâng tổng số bệnh nhân điều trị ARV theo phác đồ bậc 2 trên địa bàn tỉnh lên 179 người. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho 179 bệnh nhân điều trị ARV phác đồ bậc 2 sẽ là trên 5 tỷ đồng trong khi chi phí mỗi năm cho trên 2,8 nghìn bệnh nhân điều trị ARV phác đồ bậc 1 chỉ là gần 11,3 tỷ đồng. Rõ ràng, lượng bệnh nhân thất bại trong điều trị ARV gia tăng sẽ gây áp lực rất lớn tới nhà tài trợ - Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS và sau này có thể là quỹ Bảo hiểm xã hội và chính bản thân người bệnh.

 

Cũng theo bác sĩ Hồ Thị Quỳnh Trang, bệnh nhân hoàn toàn có thể phòng khả năng HIV kháng thuốc, thất bại điều trị bằng việc tuân thủ trên 95% quy trình sử dụng thuốc ARV, bảo đảm hiệu quả ức chế được sự nhân lên của HIV và làm cho hệ thống miễn dịch phục hồi. Cùng với đó, bệnh nhân cũng cần chủ động sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chủng HIV kháng thuốc từ những bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, nước ta chưa được cung ứng thuốc để triển khai điều trị ARV theo phác đồ bậc 3 nên việc tuân thủ điều trị thuốc đối với các bệnh nhân điều trị theo phác đồ bậc 2 là vô cùng quan trọng để tránh thất bại trong điều trị ARV theo phác đồ bậc 2.