Kiến nghị, đơn thư của công dân: Vẫn tăng và “nóng”

15:32, 24/07/2017

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo (đơn thư) đã được người đứng đầu chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, tổ chức thực hiện thường kỳ hàng tháng và vai trò của tổ hoà giải cơ sở đã được phát huy. Tuy nhiên, đơn thư của công dân gửi tới cơ quan chức năng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng và một số vụ việc đang có diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát thành điểm nóng…

Thời gian gần đây, đại diện cấp uỷ, chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Đại Từ đã trả lời đơn thư công dân, liên tục tuyên truyền, vận động và tổ chức đối thoại với nhân dân xóm Ngò, xã An Khánh để đi đến thống nhất đóng tuyến đường dân sinh đi qua bãi đổ thải phía Tây, phục vụ hoạt động sản xuất của Công ty than Khánh Hoà. Cấp uỷ, chính quyền huyện Đại Từ đã rất nỗ lực trong giải quyết vụ việc này nhưng chưa đem lại kết quả như mong muốn. Do vậy, mỗi nghe tiếng kẻng báo động lại có hàng trăm người dân xã An Khánh tụ tập ngăn cản hoạt động đổ thải, san gạt đường nội bộ của Công ty Than Khánh Hoà. Không dừng ở đó, một số người dân ở địa phương này đã dựng lán trại, căng băng zôn có khẩu hiệu rất gay gắt trong khu vực bãi đổ thải. Vụ việc nổi cộm này đã tạo dư luận không tốt, nguy cơ bùng phát thành điểm nóng, gây mất an ninh trật tự nên trực tiếp đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ngành chức năng của tỉnh đã đối thoại với người dân ở đây. Dân chủ, cởi mở để người dân xã An Khánh trình bày tâm tư, nguyện vọng, những nội dung còn chưa rõ trong suốt quá trình thực hiện Dự án mở rộng bãi đổ thải phía Tây và các ý kiến đều đã được đại diện cơ quan chức năng của tỉnh trả lời trên cơ sở quy định của pháp luật. Sau buổi đối thoại của lãnh đạo UBND tỉnh, vụ việc ở xã An khánh đã bớt căng thẳng nhưng vẫn cần được giải quyết tiếp để chấm dứt những hành động quá khích của một số người dân…

 

Trên địa bàn huyện Đại Từ còn phát sinh ý kiến kiến nghị, đơn thư của công dân, như: Một số hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án Khu dân cư số 1A, thị trấn Hùng Sơn; các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường điện 220Kv Thái Nguyên - Tuyên Quang; tình trạng sụt lút đất ở khu vực khai thác và vùng phụ cận của Công than Núi Hồng; ô nhiễm môi trường ở Dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo… Ông Đồng Quang Nghị, Chủ tịch MTTQ thị trấn Hùng Sơn cho biết: Sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ các dự án đầu tư vào địa phương để phát triển kinh tế - xã hội thực hiện rất hiệu quả. Song, những tác động bất lợi của các án đến đời sống nhân dân cần sự giải quyết trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan chức năng các cấp. Tôi đơn cử Dự án Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo có nhiều lợi về kinh tế nhưng ảnh hưởng tới môi trường cả một vùng rộng lớn nhân dân rất bức xúc. Tôi đề nghị sau kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sự giám sát, xử lý nghiêm của cơ quan chức năng đối với chủ đầu tư Dự án này.

 

Đối với các địa phương khác trong tỉnh cũng có nhiều vụ việc công dân có đơn thư phán ánh nguyện vọng cá nhân hoặc đông người, như: Các hộ dân ở xã Cây Thị, thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ) kiến nghị cơ quan chức giải quyết tình trạng sụt lún đất, nứt nhà dân, mất nước do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác khoáng sản của Mỏ sắt Trại Cau; công dân Đồng Văn Tiến, Đồng Văn Long và các hộ dân ở xóm Na Chùa, xã Bá Xuyên (T.P Sông Công) kiến nghị về giải quyết tranh chấp đường giao thông nông thôn. Tại các huyện Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ và Võ Nhai có kiến nghị, đơn thư của công dân về xây dựng hạ tầng khu tái định cư; quản lý đất rừng phòng hộ; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… nhưng chưa được giải quyết triệt để, nguy cơ bùng phát thành điểm nóng.

 

Theo đại diện Ban tiếp Công dân (Văn phòng UBND tỉnh), trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số công dân đến cơ quan chức năng các cấp đề nghị được giải quyết các vấn đề là 711 lượt (tăng 5,3% so với cùng kỳ). Trong đó, có 37 người/30 vụ việc đăng ký gặp lãnh đạo tỉnh, 369 người/310 vụ đề nghị cơ quan chức năng giải quyết lần thứ 2 trở lên. Nhiều vụ việc, công dân không chỉ đến cơ quan quản lý Nhà nước mà đã gửi đơn, trực tiếp đến các cơ quan của Đảng để phản ánh, đề nghị giải quyết vụ việc, như: Văn phòng Tỉnh uỷ (46 lượt/31 người); Ban Nội chính Tỉnh uỷ (17 lượt/12 người); Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ (17 lượt/8 người)... Như vậy, có thể thấy công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng của tỉnh cần có sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư…