Lời tri ân tháng Bảy

10:28, 27/07/2017

Tự hào là cội nguồn phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của cả nước, những năm qua, thị trấn Hùng Sơn luôn tích cực thực hiện phong trào này và ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực và sâu sắc nhằm chăm sóc thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Qua đó, từng bước xây dựng, giữ gìn và bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Những ngày tháng bảy, lượng khách đến Khu di tích 27-7, ở xóm Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đông hơn ngày thường. Thời điểm này, Khu di tích cũng được đón rất nhiều đoàn khách ở khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ và những Anh hùng đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử: Chiều 27-7-1947, đã diễn ra cuộc mít tinh long trọng công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh toàn quốc, sau này đổi thành Ngày Thương binh, liệt sĩ.

 

Tự hào là nơi khởi nguồn Ngày Thương binh, liệt sĩ, những năm qua, thị trấn Hùng Sơn đã có nhiều hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, liệt sĩ, những người có công với Cách mạng. Trên địa bàn thị trấn có tổng số 424 người có công và thân nhân người có công. Trong đó có 7 gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng (các Mẹ đều đã mất); 1 cán bộ tiền khởi nghĩa; 70 thương binh; 17 bệnh binh; 18 người phục vụ thương, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học; 171 người nhiễm chất độc hóa học; 1 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, còn lại là các gia đình thuộc diện Quyết định 142, Quyết định 53, tuất liệt sĩ, tuất thương binh, tuất bệnh binh…

 

Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn cho biết: Ngoài sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện đối với người có công trên địa bàn, hằng năm thị trấn đều trích ngân sách, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, thực hiện các hoạt động chăm sóc người có công. Thành công lớn nhất trong công tác đền ơn đáp nghĩa ở đây là đã tạo nên phong trào sâu, rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia dưới nhiều hình thức như: Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời, xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, đỡ đầu con em thương binh, liệt sĩ, trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách… Đặc biệt, hằng năm, các cán bộ, người lao động và nhân dân trên toàn địa bàn đều tích cực đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Từ năm 2012 đến nay, Quỹ đã thu được trên 310 triệu đồng.

 

Từ sự đóng góp của cán bộ, nhân dân, sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, hằng năm, địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có công: Trong 5 năm từ 2012-2017, UBND thị trấn đã tặng 1.702 suất quà cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 260 triệu đồng; tặng 8 sổ tiết kiệm tình nghĩa, mỗi sổ 5 triệu đồng cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng 3 vườn cây tình nghĩa cho 3 gia đình chính sách. Cùng với đó, thị trấn đã xây mới và sửa chữa được hơn 22 nhà ở cho người có công, trong đó 8 nhà xây mới và 14 nhà sửa chữa với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, thị trấn cũng thường xuyên phối hợp với trạm y tế tổ chức khám sức khỏe, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người có công vào các dịp lễ, Tết. Bên cạnh việc chăm lo đời sống cho những người còn sống, để tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ những người đã hy sinh, trong 5 năm, thị trấn đã vận động các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ, đóng góp để xây dựng, nâng cấp 2 nghĩa trang liệt sĩ của tổ dân phố Cầu Thành 1 và tổ dân phố Đình với tổng kinh phí vận động trên 520 triệu đồng…

 

Nhờ sự quan tâm, chăm lo, sự động viên, khích lệ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, nỗi đau của những người mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha hay những người đang mang trên mình vết thương chiến tranh phần nào được xoa dịu. Chính sự quan tâm, động viên khích lệ đó đã tiếp thêm động lực để họ phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua mất mát, thương tật, vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục góp sức vào sự phát triển của địa phương. Có nhiều người đã trở thành những gương điển hình trong lao động và sản xuất, nhiều gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng như: Thương binh Lê Chí Thắng, tổ dân phố An Long; Nguyễn Văn Thống, xóm Xuân Đài; Dương Văn Dậu, phố Sơn Tập 1; Nguyễn Văn Thanh, phố Vân Long; bệnh binh Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Văn Dũng, phố Cầu Thông; Đinh Minh Dương, Phố Chợ 1...

 

Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân thị trấn Hùng Sơn, tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, đa dạng về hình thức, thiết thực về nội dung, trở thành nét đẹp truyền thống của địa phương. Đặc biệt là vào tháng Bảy hằng năm, địa phương càng có thêm nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Năm nay là tròn 70 năm kể từ khi ra đời Ngày Thương binh, liệt sĩ. Nhằm tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó, xứng đáng là nơi ra đời Ngày Thương binh, liệt sĩ, ngoài việc thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, thị trấn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực thực hiện xã hội hóa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhằm ngày càng nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.