Nâng cao ý thức người dân trong phòng, tránh thiên tai

08:04, 12/07/2017

Là xã vùng cao có địa hình đồi núi hiểm trở, xen kẽ bởi những con suối nên vào mùa mưa, xã Nghinh Tường (Võ Nhai) luôn phải đối mặt với tình trạng lũ ống, sạt lở đất, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy, trước mùa mưa bão năm nay, xã đã chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân.

Sau cơn mưa rào, gia đình anh Triệu Tiến Phong, ở xóm Nà Hấu đang khẩn trương thu hoạch hết nương ngô để làm đất gieo cấy lúa mùa. Trò chuyện với chúng tôi, anh Phong chia sẻ: Tranh thủ lúc trời tạnh ráo, vợ chồng tôi ra đồng làm đất chứ lúc trời đang mưa to, chúng tôi ở trong nhà để đề phòng sét đánh. Ngoài ra, mưa giông kèm sấm sét, gia đình tôi cũng sập cầu dao, ngắt hết các thiết bị điện. Do địa hình xung quanh là đồi núi cao nên mỗi khi trời mưa to, nước từ trên núi chảy xuống các khe suối gây ngập úng và ách giao thông. Vì thế, nếu nước to và ngập sâu, bà con chúng tôi bảo nhau không đi qua suối, ngầm tràn để giữ an toàn tính mạng.

 

Còn anh Triệu Văn Minh, Trưởng xóm Nà Hấu thì cho biết: Trong những ngày có mưa bão, tôi trực tiếp điện thoại thông tin đến người dân trong xóm về diễn biến tình hình lũ lụt, thời tiết và đề xuất với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã các biện pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Trước mùa mưa, chúng tôi cũng đi nhắc nhở các hộ dân trong xóm tiến hành tu sửa, chằng chống nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi để đảm bảo an toàn.

 

Rời Na Hấu, đi một vòng quanh các xóm như: Bản Chang, Bản Cái, Bản Nhàu, Bản Nưa, Nà Giàm... chúng tôi quan sát thấy có nhiều hộ dân đã chủ động hơn trong phòng tránh thiên tai. Chị Ma Thị Thắm, một hộ dân ở xóm Bản Cái cho biết: Xây nhà ven sườn đồi, để đảm bảo an toàn, gia đình tôi đã xây thêm một bức tường bê tông cao bằng mái nhà ở phía sau để đề phòng sạt lở đất. Từ ngày xây được căn nhà mới khang trang, vững chãi, gia đình tôi đã thoát cảnh nơm nớp lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến.

 

Được biết, Nghinh Tường hiện có 12 xóm với trên 350 hộ sinh sống, trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 53%. Là xã miền núi xa xôi nhất của huyện Võ Nhai, tiếp giáp với xã Tân Chi, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), địa hình chủ yếu là đồi núi có độ dốc cao, dễ bị sạt lở đất, đá khi có mưa liên tục và kéo dài. Ngoài ra, toàn xã hiện có 6 cầu tràn liên hợp, mỗi khi mưa to thường bị ngập lụt, gây chia cắt giao thông. Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn xã hiện có 3 tuyến đường có nguy cơ sạt lở đất, đá ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông, gồm: tuyến đường từ xã Vũ Chấn đi xã Sảng Mộc (qua các xóm Bản Cái, Nà Giàm, Nà Lẹng của xã Nghinh Tường) và 2 tuyến đường liên thôn từ Bản Cái đi Thượng Lương và từ Bản Cái đi Nà Hấu. Tuyến kênh mương dài 3,5km có 2 điểm ở xóm Bản Cái và Bản Chang có nguy cơ sạt lở cao chưa được khắc phục. Ngoài ra, có 7 hộ dân và phân trường Tiểu học Thượng Lương có khả năng xảy ra ngập úng khi có mưa lớn.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường cho biết: Nhằm chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã hoàn thiện phương án PCTT-TKCN, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh thiên tai; thực hiện có hiệu quả phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện và hậu cần tại chỗ) và "ba sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả). Đối với các ngầm tràn, chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng công an viên, dân quân tự vệ tuần tra đầu cầu, cảnh báo người dân, học sinh không đi qua ngầm khi nước ngập sâu gây nguy hiểm. Cùng với đó, chúng tôi cũng chuẩn bị một số đồ ăn khô và thuốc men để dự trữ, sẵn sàng ứng cứu cho các xóm ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất đá và có phương án di dời dân cư trong trường hợp khẩn cấp. Xã cũng đã thành lập các tổ xung kích, chủ yếu là lực lượng dân quân tự vệ và bà con nhân dân ở các xóm, chuẩn bị đầy đủ quang gánh, bao tải, xà beng, cuốc, xẻng, tre, gỗ... tại các điểm xung yếu và để sẵn sàng hỗ trợ cho nhau trong trường hợp mưa bão xảy ra.

 

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa bão năm nay, các hiện tượng thiên tai cực đoan như: Giông, lốc, sét và mưa đá xảy ra thường xuyên với cấp độ mạnh và phạm vi rộng. Vì vậy, cùng với việc xây dựng phương án phòng, tránh thiên tai sát với tình hình thực tế, chính quyền và người dân xã Nghinh Tường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, không nên chủ quan trước những tình huống bất ngờ có thể xảy ra để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.