Chỉ trong 1 tuần từ 17-23/7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13 ca sốt xuất huyết, nâng tổng số ca bệnh trong toàn tỉnh lên 29. Mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những nguồn bệnh tự phát tại cộng đồng nhưng nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với sự nguy hiểm của loại dịch bệnh này.
Trước cửa nhà anh Nguyễn Việt Hùng, bệnh nhân đầu tiên mắc sốt xuất huyết của phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) cây cối um tùm và muỗi rất nhiều. Sau khi kiểm tra, các cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phát hiện nhiều lọ, chậu chứa nước mưa đọng và có xuất hiện loăng quăng/bọ gậy bên trong. Dù có người nhà vừa mắc sốt xuất huyết nhưng bà Hoàng Thị Nguyện, mẹ đẻ anh Hùng, ở ngay sát nhà bệnh nhân lại không biết gì về sốt xuất huyết cũng như các cách để phòng chống bệnh. Bà Nguyện tự tin: Con tôi đã khỏi bệnh và được các bác sĩ cho xuất viện. Tình hình sức khỏe của các thành viên trong gia đình cũng ổn định nên không có gì đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được thông báo về trường hợp bệnh của anh Hùng từ ngày 18-7 nhưng suốt 6 ngày sau đó, cả Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên và Trạm Y tế phường Tân Lập đều chưa tiến hành bất kỳ một biện pháp khoanh vùng, phun thuốc dập dịch nào tại địa bàn ghi nhận sốt xuất huyết. Bác sĩ Trương Thị Năm, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Lập phân trần: Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế đã tham mưu cho UBND phường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Thông qua đội ngũ y tế thôn bản, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân về sốt xuất huyết và cách phòng chống bệnh dịch này. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đến nguyên nhân chưa tiến hành khoanh vùng, dập dịch, vị bác sĩ này lại im lặng.
Thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh với một số người dân ở xung quanh khu vực nhà anh Hùng, chúng tôi nhận thấy, đa số vẫn chủ quan với sự xuất hiện của bệnh sốt xuất huyết ở địa phương. Không chỉ thờ ơ với việc phòng chống dịch, đa phần người dân còn chủ quan với các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết. Tại Khoa bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chỉ tính từ đầu tháng 7 tới nay, đã có 18 ca nhập viện do sốt xuất huyết, tăng gấp nhiều lần so với số liệu của cả năm 2016. Bác sĩ Chuyên khoa II Hoàng Thị Thư, Trưởng khoa bệnh Nhiệt đới cho biết: Khoảng 2/3 số ca sốt xuất huyết nhập viện ở giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Trong đó có 5 ca đã có những dấu hiệu cảnh báo nặng. Các trường hợp này đều phải tiến hành truyền tiểu cầu, huyết tương tránh rối loạn đông máu, truyền dịch bù khối lượng tuần hoàn tránh cô đọng máu và thoát huyết tương. Một điểm thuận lợi là Bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, thuốc phòng chống sốt xuất huyết cũng như có Trung tâm Huyết học – Truyền máu và Câu lạc bộ tiểu cầu sẵn sàng hiến máu, tiểu cầu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh gia tăng nhanh chóng như hiện nay, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết vẫn phải được đặt lên hàng đầu.
Có thể thấy, nhận thức chung của người dân và cả đội ngũ cán bộ y tế ở một số nơi về sốt xuất huyết vẫn còn hạn chế. Đa phần người dân chỉ biết có người mắc bệnh chứ chưa biết làm cách nào để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết. Hiện mới là đầu mùa dịch bệnh, tuy nhiên, với những biến đổi về dịch tễ học, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch tại Thái Nguyên và gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết là hoàn toàn có khả năng nếu như không thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho hay: Trước mắt, chúng tôi đang chỉ đạo cho các trạm y tế tuyến xã, trung tâm y tế cấp huyện tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền về diễn biến của dịch bệnh, mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống bệnh. Đồng thời, Trung tâm đã yêu cầu đội phòng chống dịch các địa phương chấn chỉnh ngay hoạt động khoanh vùng và phun thuốc dập dịch tại hộ gia đình và khu dân cư. Hoạt động này phải tiến hành ngay sau khi phát hiện ca mắc sốt xuất huyết. Trong tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng và có các diễn biến phức tạp như hiện nay, biện pháp tốt nhất là tiêu diệt muỗi, trung gian truyền bệnh. Người dân được khuyến cáo lật úp các chum, vại, chậu… chứa nước, loại bỏ các vật dụng nước đọng, thay nước trong lọ hoa thường xuyên… Đồng thời, cần tăng cường huy động người dân tham gia vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh… qua đó, để nhân dân hiểu biết hơn về cách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.