Vài năm trở lại đây, nghề mộc đã và đang tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ dân ở Phú Bình. Tuy nhiên, sự phát triển của làng nghề nằm xen giữa các khu dân cư đang gây ra những ảnh hưởng về môi trường và sức khỏe của người dân…
Nằm sát Quốc lộ 37, Làng nghề mộc, mỹ nghệ Phương Độ (xã Xuân Phương) được xem là có vị trí đắc địa khi thu hút sự chú ý của khách từ các tỉnh lân cận đi qua tuyến đường này. Với 45 hộ làm nghề cùng gần 200 lao động, Làng nghề đã giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân xóm Tân Sơn 8, Tân Sơn 9 và 1 số xóm lân cận, thu nhập bình quân đạt 5-6 triệu đồng/tháng. Đời sống ngày một khấm khá hơn, thế nhưng, người dân nơi đây lại đang phải đối mặt với nỗi lo về ô nhiễm môi trường.
Đến cổng Làng nghề, chúng tôi thấy xưởng mộc san sát, tiếng rè rè của máy cưa, máy cắt gỗ, tiếng chát chúa của tiếng gõ, đục ồn ã khắp ngõ xóm, đường làng. Từng nhóm người đeo khẩu trang, găng tay kín mít đang mải miết bào, cưa, đánh bóng gỗ ngay phía trước các cửa hàng đồ gỗ nội thất. Tất cả gói trọn trong bầu không khí nồng mùi hóa chất cùng bụi bay mù mịt, gây cảm giác ngột ngạt, khó thở.
Được biết, quá trình sản xuất đồ gỗ gồm nhiều công đoạn, nhưng bụi nhiều nhất là ở khâu chà gỗ. Theo phản ánh của người dân sống trong khu vực làng nghề thì cứ đến lúc chà gỗ là một số hộ làm nghề lại mang ra chỗ thoáng làm cho bụi bay khắp nơi, thậm chí ngay lối đường đi. Thêm vào đó, việc phun sơn bằng bình máy với bán kính lớn tới hàng mét nên dễ dàng hòa tan, khuếch tán vào không khí, nguồn nước... Quá trình sản xuất gây ô nhiễm là vậy nhưng phương pháp xử lý cũng không khắc phục được là bao khi phần lớn các hộ vẫn tự xử lý bằng cách thức thủ công chứ chưa có máy hút bụi, hút mùi hay có phòng riêng để sản xuất… Điều này đã khiến một lượng lớn bụi gỗ phát thẳng ra môi trường.
Tình trạng ô nhiễm trên cũng diễn ra tương tự tại Làng nghề mộc, mỹ nghệ Phú Lâm (xã Kha Sơn). Nơi đây hiện có hơn 40 hộ làm nghề với trên 120 lao động, tập trung toàn bộ ở xóm Phú Lâm. Tuy nhiên, hiện xóm vẫn chưa có xưởng phun sơn đảm bảo quy chuẩn hay có bất cứ trang thiết bị hiện đại nào làm giảm ô nhiễm. Hầu hết các cơ sở sản xuất cũng như các cửa hàng đồ gỗ đều nằm ven đường, xen lẫn khu dân cư đông đúc. Mặc dù, các hộ đã xây tường ngăn hoặc căng bạt che, dùng quạt cây, quạt công nghiệp… nhằm giảm sự ô nhiễm, song, cũng không ngăn nổi sự ngột ngạt của bụi gỗ và mùi sơn. Thêm vào đó, việc sử dụng các loại máy xẻ, máy cưa công suất lớn đồng nghĩa với việc lượng bụi xả ra môi trường càng nhiều. Cùng với bầu không khí ô nhiễm, suốt thời gian dài, tiếng ồn của các loại máy móc hoạt động liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân.
Cho tới thời điểm này, chưa có bất cứ thống kê nào về tác hại của ô nhiễm làng nghề mộc tới sức khỏe, tuy nhiên, số hộ làm nghề ngày một đông khiến nhiều hộ dân sống xung quanh lo ngại. Điều này là có cơ sở bởi theo các chuyên gia, bụi gỗ có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp, việc phun sơn không đảm bảo quy chuẩn sẽ gây dị ứng ngoài da, đau đầu, chóng mặt. Hơn nữa, các loại sơn được sử dụng phổ biến trong làng mộc như PU, véc-ni… chứa chất độc hại rất cao, gây hại sức khỏe con người. thư. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Ngọc Tuyên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình, cho biết: huyện Phú Bình đã quy hoạch các cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề với diện tích từ 5-10ha tại các xã. Song, do nhiều lý do khác nhau nên đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được. Mặt khác, do các hộ làm nghề chủ yếu là tự phát và phân bố không tập trung, xen lẫn trong các làng, xóm nên để xử lý ô nhiễm rất khó khăn. Tính đến thời điểm này, huyện chưa tiến hành xử phạt cơ sở vi phạm nào và biện pháp xử lý mới dừng ở tuyên truyền, nhắc nhở. Do vậy, để xử lý triệt để ô nhiễm thì trước hết các hộ làm nghề cần nâng cao ý thức chấp hành, bảo vệ môi trường sống, bên cạnh đó rất cần sự chung tay, quan tâm, hỗ trợ của của các cấp, ngành liên quan…