53 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai trên địa bàn T.PThái Nguyên được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm thì có 9 cơ sở vi phạm các quy định. Bởi thế, người sử dụng nước uống đóng chai, nước đá viên… không khỏi lo lắng về độ an toàn của các sản phẩm này.
Nhu cầu sử dụng nước uống đóng chai sẵn và nước đá viên trên thị trường ngày càng tăng, nhất là khu vực trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn, nơi có các cơ quan, trường học, công trường xây dựng… Nếu như năm 2012, toàn tỉnh mới chỉ có gần 30 cơ sở đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này và 25 đơn vị trường học lắp đặt trực tiếp hệ thống tự xử lý nước lọc tại trường, thì đến nay đã có trên 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá viên và hàng trăm mô hình tự xử lý lọc nước tại chỗ. Mặc dù các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi lắp đặt và vận hành đều chấp hành đầy đủ các thủ tục, điều kiện hoạt động sản xuất, khai thác và kinh doanh đúng quy định pháp luật, song thực tế quá trình sử dụng lại bộc lộ nhiều tồn tại, khiến người sử dụng bất an và lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Lương, trú tại tổ 4, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Mỗi học kỳ tôi đều phải đóng tiền sử dụng nước uống (nước lọc) trong trường học cho con, nhưng thực tế ngày nào cháu cũng phải mang chai nước đun sôi để nguội theo đến lớp. Hỏi thì cháu cho biết là uống nước ở trường sợ không bảo đảm vệ sinh. Tại khu cấp nước chỉ có vài chiếc cốc nhựa mà hàng trăm người dùng chung thì sao bảo đảm vệ sinh được. Chưa kể, các cháu có bao giờ rửa tay trước khi vào uống nước đâu. Uống xong cũng không rửa cốc và thậm chí cốc rơi lăn lóc ra nền gạch… Quy định của trường là không được ra ngoài cổng trong các buổi học chính khóa, mà ra ngoài mua cũng không kịp vì lớp học là nhà cao tầng, leo xuống, leo lên không đủ thời gian vào học. Không thể ra mua nước được, chỉ còn cách mang nước theo hàng ngày sử dụng cho an tâm”.
Chủ động nước uống cá nhân thì dễ, nhưng với đối tượng ở cơ quan, công trường thì sẽ khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhiều cơ quan, khu phục vụ công cộng… mua nước về mà người sử dụng vừa uống vừa hoài nghi. Có nơi cẩn thận thì đun sôi pha trà hoặc trút vào bình thủy tinh để nguội. Bác sĩ Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Năm nào đơn vị cũng có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp thực hiện VSATTP cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nước theo đúng quy định ngay từ đầu năm, sau đó mới tiến hành kiểm tra. Về cơ bản các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đều đủ điều kiện hoạt động và chất lượng nước, nước đá viên bảo đảm tiêu chuẩn kiểm định chất lượng “sạch”. Nhưng từ chỗ làm ra nước sạch rồi đến người sử dụng thì lại chưa bảo đảm an toàn. Vi phạm phổ biến nhất vẫn là việc không thực hiện nghiêm túc khám sức khỏe định kỳ cho bộ phận trực tiếp sản xuất, hoặc sử dụng người lao động không đủ điều kiện chứng nhận sức khỏe bắt buộc theo quy định về VSATTP. Một số vi phạm khác cũng xảy ra phổ biến là người lao động không sử dụng dụng cụ, thiết bị bảo hộ lao động bắt buộc khi làm việc; môi trường làm việc không có lưới bảo vệ chắn côn trùng (ruồi, muỗi, bọ…). Cũng có không ít dịch vụ cung cấp nước tái sử dụng bình quá cũ, không rõ tem, mác, thời gian sản xuất, thời gian xuất kho và thời hạn sử dụng…”.
Từ thực tế trên có thể thấy, vấn đề khai thác, sản xuất, chế biến và kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá viên và nước lọc cần được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, người tiêu dùng cần đề cao cảnh giác và lên án kịp thời trước những cơ sở chưa chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về VSATTP.