Quan tâm cải thiện chất lượng việc làm cho người lao động

14:24, 22/07/2017

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn lao động. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm cũng có khoảng 4 nghìn lao động thất nghiệp hoặc chuyển dịch việc làm. Số liệu này cho thấy chất lượng việc làm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2016, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 143 nghìn lao động, trong đó, số lao động có việc làm trong nước là gần 134,6 nghìn người, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là gần 8,7 nghìn người. Tính trung bình, mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 24 nghìn lao động, vượt gần 60% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

 

Tuy nhiên, chất lượng việc làm trên địa bàn tỉnh chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm còn thấp, đặc biệt là đối với lao động trong độ tuổi từ 18 đến 25. Lượng người chấm dứt hợp đồng lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh còn diễn ra nhiều, trung bình những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có khoảng 4 nghìn người chấm dứt hợp đồng lao động có xin đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm.

 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị đầu mối tiếp nhận, thẩm định đối với các trường hợp người lao động thất nghiệp. Trung bình mỗi ngày làm việc, đơn vị đón từ 20 đến 40 người lao động đến nộp hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đa phần những người lao động đến đây đều mới nghỉ việc và đang làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong khi chờ cơ hội tìm được việc làm mới. Phần lớn người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động phổ thông, lao động giản đơn trong các nhà máy sản xuất, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để tìm công việc phù hợp hơn.

 

Anh Nguyễn Quang Bắc, 33 tuổi ở Tổ dân phố Na Hoàng, phường Lương Sơn (T.P Sông Công) cho biết, trước đây anh làm nghề lái xe taxi. Trong 5 năm gần đây, anh Bắc đã chuyển việc qua 3 hãng taxi khác nhau nhưng với mức thu nhập chỉ được trên 4 triệu đồng/tháng trong khi cường độ làm việc cao nên anh đã bỏ nghề lái taxi để tìm việc làm khác. Trong thời gian chờ việc, anh Bắc xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp để có thêm tiền đi học chuyển đổi sang giấy phép lái xe khách với mong muốn có việc làm với thu nhập cao hơn.

 

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ năm 2010 đến 2012, lượng người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh chỉ có khoảng 2 nghìn người/năm nhưng gần đây, lượng người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thường lên tới trên 4 nghìn người/năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết gần 2,6 nghìn hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù số lượng người đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp cao nhưng không có nghĩa là toàn bộ những người này là lao động thất nghiệp. Tính hết năm 2016, tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị trên địa bàn tỉnh chỉ là 2,17%.

 

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, có khoảng 30% tỷ lệ người hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian ngắn đã tìm được việc làm mới phù hợp và hầu hết trong số 70% người hưởng trọn vẹn bảo hiểm thất nghiệp vẫn có việc làm thời vụ để kiếm thêm thu nhập trước khi có một công việc phù hợp, ổn định. Theo quy định, những lao động như vậy chưa có việc làm ổn định nên vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, thực tế chất lượng việc làm trên địa bàn tỉnh chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm còn thấp là một trong những tồn tại khiến số người lao động thất nghiệp hoặc chuyển dịch việc làm còn chiếm tỷ lệ cao so với số lao động tìm được việc làm mới. Tình trạng này gây tác động xấu tới thị trường lao động, gây mất ổn định của thị trường lao động và cần được khắc phục trong thời gian tới.

 

Để khắc phục những bất cập tồn tại trên, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt công tác lao động, việc làm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chương trình việc làm giai đoạn 2017-2020 với các giải pháp cụ thể như: hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; tạo việc làm cho người lao động thông qua các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công; hỗ trợ phát triển thị trường lao động… Với những giải pháp này, các cấp ngành trên địa bàn tỉnh phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực lao động ở các địa phương trong tỉnh để tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có cơ hội tìm được việc làm; nâng cao chất lượng việc làm, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.