Vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với sức khỏe, đặc biêt là sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, sự quan tâm và hiểu biết của nhiều người về vấn đề đảm bảo vi chất dinh dưỡng cho trẻ em còn hạn chế.
Vi chất dinh dưỡng là các chất mà cơ thể chúng ta chỉ cần với một lượng rất nhỏ, tuy nhiên, nếu thiếu hụt sẽ gây ra những hậu quả nghiệm trọng đối với sức khỏe. Vi chất dinh dưỡng có nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể, giúp con người có thể phát triển trí tuệ, thể chất, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, chống đỡ bệnh tật. Đặc biệt, vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng ở trẻ em. Thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ, thể lực, trí tuệ, khả năng sinh sản và lao động của người lớn, cản trở sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ em chẳng hạn như: Thiếu vitamin A gây mù, tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ; thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ, giảm khả năng lao động, học tập; thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng đến bào thai; thiếu folate gây dị dạng ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp…
Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả điều tra năm 2016 cho thấy, tỷ lệ trẻ từ 6-36 tháng tuổi uống vitamin A cả 2 đợt đều đạt 100%. Tỷ lệ bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống vitamin A đạt 91,2%. Trong Ngày vi chất dinh dưỡng và uống vitamin A đợt 1 năm 2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp trên 300.000 liều vitamin A cho 180 xã, phường, thị trấn để tổ chức cho trẻ uống bổ sung vitamin A. Các chương trình phòng chống thiếu máu, i-ốt… được quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như: Thiếu i-ốt, thiếu máu, thiếu kẽm… vẫn còn tương đối cao, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng cao. Theo số liệu năm 2016, toàn tỉnh vẫn còn 1.258 lượt bệnh nhân phải điều trị bướu cổ, 329 lượt bệnh nhân ba-dơ-đô do thiếu i-ốt. Đặc biệt, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng còn hạn chế.
Cho con đi khám và phát hiện cháu bị thiếu máu, chị Trần Thanh Hà, ở tổ 10, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) mới biết con mình thiếu hụt nhóm vi chất khoáng như: sắt, kẽm, canxi…. Chị Hà bộc bạch: Cháu nhà tôi hiện nay đã 25 tháng tuổi. Thường ngày tôi vẫn cố gắng cho cháu ăn đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, vitamin… Tuy nhiên, về vi chất dinh dưỡng tôi thực sự chưa có hiểu biết. Còn chị Triệu Thị Ngân, ở xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) chia sẻ: Cán bộ y tế có tư vấn cho tôi về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng để con phát triển toàn diện và không bị bệnh tật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình nên việc bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho con là tương đối khó khăn. Thêm nữa, cháu vẫn phát triển bình thường nên tôi không quá lo lắng. Mới đây, đưa con đi khám tôi mới biết cháu thiếu kẽm dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch.
Bà Phạm Thị Lệ Thu, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn hằng ngày của các gia đình chưa cung cấp đủ nhu cầu của cơ thể. Bên cạnh đó, thiếu vi chất dinh dưỡng thường không biểu hiện ngay một thời gian sau mới xem xét được hậu quả nên mức độ quan tâm của người dân đến vấn đề này không cao. Tình trạng này được coi là "nạn đói tiềm ẩn" ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Trong đó trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là những đối tượng có nguy cơ cao.
Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là: Sử dụng phối hợp nhiều loại thực phẩm từ các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày: acid amin, acid béo, vitamin, chất khoáng, chất xơ; cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; bổ sung những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, D, ưu tiên những thực phẩm có sẵn tại địa phương, gia đình; cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau khi sinh trong vòng 1 tháng uống một liều vitamin A; định kỳ 6 tháng/lần tẩy giun cho trẻ từ 24 – 60 tháng tuổi. Bên cạnh đó, cần thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, môi trường trong phòng chống nhiễm giun. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và trong khi mang thai cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống thêm viên sắt, acid folic hoặc viên đa vitamin theo hướng dẫn của thầy thuốc…