Chị kể chuyện đời, chuyện mình hồn nhiên, chân chất, nhưng khi nói về các con, chị bật khóc, bảo: Nhiều lần các con vặn hỏi: - Mẹ ơi, “Sida” là gì? Đã có lúc tôi phải hét lên với các con mình: - Không hỏi nữa, mẹ quá mệt mỏi rồi. Chị Hàn Phương, xã Cổ Lũng (Phú Lương) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng Hàn Phương ngưng lời vì cổ họng nghẹn tắc. Hàn Phương bảo: Khổ mãi rồi cũng quen, nhưng cái khổ vì vướng vào căn bệnh HIV thì lòng đau lắm, mình chẳng sao, song tụi trẻ rất khó sống hòa đồng cùng các bạn. Các con tôi đi học, lầm lũi, tủi thân vì thỉnh thoảng lại có bạn chọc ghẹo: Không chơi với “Sida”.
Chuyện Hàn Phương bị lây nhiễm HIV, bà con trong vùng biết, ai nấy cảm thương cho một phận đời hẩm hiu. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hàn Phương phải bỏ dở chương trình học tập bậc THPT, ở nhà giúp đỡ bố mẹ làm lụng nuôi các em. Qua bạn bè mai mối, Hàn Phương gặp Trần Minh, làm phụ xây. Trần Minh người xóm bên, hơn Hàn Phương 4 tuổi. Cùng cảnh “chân lấm tay bùn”, nên giữa 2 người sớm bén duyên phận. Năm đó, Hàn Phương 20 tuổi.
Thân phụ 2 bên đều nghèo, chẳng giúp được nhiều nên vợ chồng Hàn Phương phải tự bươn trải cuộc sống. Rồi một năm sau ngày cưới, Hàn Phương sinh con đầu lòng, một bé gái bụ bẫm, khỏe mạnh. Lúc con lớn lên ba, Hàn Phương sinh thêm bé trai, họ mạc, người thân đến chúc mừng, bảo Hàn Phương “giỏi đẻ”, sinh cho nhà chồng đủ nếp, đủ tẻ, đạt điểm 10.
Nhưng hạnh phúc “ngắn chẳng tày gang”. Một chiều, đang cho con bú, Hàn Phương rụng rời chân tay khi được bà con chòm xóm báo tin, chồng bị bắt vì tham gia buôn bán ma túy. Cũng tận khi ấy, Hàn Phương mới biết chồng mình bị bạn xấu rủ rê, mắc nghiện ma túy từ rất lâu. Để có tiền hút chích, anh phải đi bán ma túy sỉ lẻ cho bạn nghiện. Vì số lượng ma túy không nhiều, anh lĩnh án 2 năm tù. Hàn Phương thổn thức: Đó là “khúc dạo đầu” tồi tệ đối với cuộc đời tôi. Mỗi sớm thức dậy, tôi mang con lớn sang nhờ ông bà ngoại trông giúp, còn con nhỏ nằm trên lưng để mẹ hái chè thuê. Tằn tiện nuôi con, song hằng tháng tôi đều vào trại giam thăm chồng. Động viên chồng cải tạo tốt, hết hạn tù trở về làm một người lương thiện, cùng vợ nuôi con.
Hàn Phương dừng lời, mắt ngấn lệ. Tôi biết trong lòng chị chất đầy nỗi tủi hổ của thân phận người đàn bà không may mắn. Đã bao đêm Hàn Phương cắn răng chịu ê chề mỗi khi nghe ai nói bóng gió về chồng. Những tưởng sau tháng ngày cải tạo, chồng sẽ tu tỉnh, hoàn lương. Nhưng vừa ra tù, anh đã bị bạn xấu lôi vào cuộc chơi chết người - sử dụng ma túy. Chị chưa hết khổ, năm 2007, con nằm viện tỉnh cấp cứu, Hàn Phương phải bán bớt một phần đất bố mẹ cho để lấy tiền chữa bệnh cho con. Không những thiếu trách nhiệm giúp vợ, chồng Hàn Phương tự ý lấy tiền, ẵm theo đứa con lớn vào miền Nam sinh sống. Hàn Phương lại tất tả mang con nhỏ gửi ông bà ngoại, chạy vạy vay mượn thêm để vào Nam đón chồng, con về.
Cuộc sống của gia đình Hàn Phương trở lại với tháng ngày ấm êm, chồng đi phụ xây, vợ đi hái chè thuê, cái ăn mỗi ngày còn chưa đủ, nhưng với chị như thế là hạnh phúc. Rồi một ngày, Hàn Phương thấy cơ thể mình khang khác, chị cảm nhận hình như có một vật sống đang động cựa trong cơ thể. Hàn Phương kể: Tôi biết mình có thai, nên mới đến bệnh viện làm kế hoạch. Tại đây, bác sĩ thông báo tôi có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Đầu óc mụ mị, tôi uất chồng, hận mình, thương con, tất cả nghĩ suy lộn xộn làm đầu óc muốn nổ tung. Tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng tiếng khóc của các con nhắc nhở tôi về trách nhiệm của một người mẹ.
Và Hàn Phương đã gượng đứng dậy bằng chính nghị lực của mình. Động viên chồng hạn chế sử dụng ma túy, không chích chung bơm kim tiêm với bạn để tránh lây nhiễm chéo. Song căn bệnh HIV không buông tha, âm ỉ gặm nhấm cơ thể, khiến anh đổ bệnh, mất năm 2011.
Chồng chết, con chểnh mảng học tập, không muốn đến trường. Hàn Phương lo lắng, hỏi: - Sao con không thích đi học? - Các bạn bảo con là “Sida”, không chơi với đứa “Sida”… Mẹ ơi, thế “Sida” là gì?... Hàn Phương ôm con khóc. Chị không biết nên giải thích như thế nào với các con. Vì các con của chị còn quá non nớt.
Từ ngày biết mình bị lây nhiễm HIV, mỗi đêm, khi các con ngủ ngon giấc, Hàn Phương lại âm thầm khóc, lo cho tương lai của các con. Hơn thế, Hàn Phương cũng không chắc chắn chồng mình bị lây nhiễm HIV từ khi nào. Chợt Hàn Phương nói: Tôi lo lắm, nhưng phải cho các con đi xét nghiệm HIV, lỡ có cháu nào “dính” thì chủ động cùng mẹ uống thuốc ARV. Hôm đó, tôi đã nín thở hàng giờ để đợi kết quả. Rất mừng, cả 2 đứa con của tôi đều âm tính với HIV.
Như bao người đàn bà làm mẹ, các con là điểm tựa tinh thần, giúp Hàn Phương đứng vững trong cuộc sống. Hàn Phương không còn dè dặt khi nói với mọi người về căn bệnh HIV. Chị tự tin: Nếu mình sống điều độ, có trách nhiệm với bản thân, thì căn bệnh HIV không đe dọa tới tuổi thọ của mình.
Hàn Phương đã có lại sự tươi tắn đáng mến trên khuôn mặt. Trông chị trẻ trung hơn tuổi 36 của mình rất nhiều. Chị và các con đã vượt qua được “giai đoạn kỳ thị” để sống hòa nhập như bao con người trong xã hội. Hằng ngày chị đến các vùng chè, cùng mọi người làm thuê lấy tiền nuôi con. Còn các con của chị cắp sách đến trường học chữ như bao bạn cùng trang lứa. Cũng từ lâu, các con chị không hỏi mẹ “Sida” là gì.
*(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).