Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì Việt Nam chỉ mất 15 năm.
Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Năm 2015, ước tính trên thế giới có khoảng hơn 900 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số thế giới. Con số này sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới.
Dân số của các nền kinh tế thành viên APEC chiếm 40,5% tổng dân số thế giới, nhưng chiếm tới gần 50% tỷ trọng người cao tuổi trên thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên APEC đã và đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Trong đó, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản... là những nền kinh tế thành viên có số lượng và tỷ trọng người cao tuổi rất lớn.
Sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng...