Thực phẩm ở chợ nông thôn: Vẫn còn đó những nỗi lo

08:05, 05/07/2017

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có trên 120 chợ nông thôn, những năm gần đây, nhiều chợ nông thôn đã và đang được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, giúp việc trao đổi hàng hóa của nhân dân được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ này đang nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Có mặt tại chợ xã Văn Hán (Đồng Hỷ), chợ Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), Chợ xã Tân Khánh (Phú Bình), Chợ xã Tràng Xá (Võ Nhai)... đúng vào những hôm diễn ra phiên chợ, chúng tôi nhận thấy các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa diễn ra khá sôi động với đầy đủ các loại mặt hàng. Hầu hết các gian hàng ở các chợ đã được sắp xếp tập trung theo từng nhóm mặt hàng như: khu bán quần áo, khu bán hàng khô, khu bán thực phẩm... Tuy nhiên, tại dãy bàn bày bán thịt lợn, đồ tươi sống được bày xen lẫn đồ ăn chín mà không có bất cứ dụng cụ che đậy nào. Ngồi quan sát, chúng tôi còn nhận thấy người bán hàng vừa mới cắt thịt tươi sống lại quay sang cắt lòng lợn đã luộc chín hoặc giò, chả cho người khác mà không hề đeo bao tay. Còn khu bán sản phẩm thịt lợn, thực phẩm tươi sống khác như: tôm, cá, gia cầm… thì nhếch nhác, bẩn thỉu. Để tiện cho người tiêu dùng, hầu hết người bán cá đều mổ luôn cho khách mua. Ruột cá, nước thải sau khi mổ cá đều được đổ trực tiếp tại chỗ khiến mùi hôi tanh bốc lên, nước thải chảy lênh láng, thu hút ruồi nhặng bay về chợ.

 

Tương tự, khu bán rau xanh ở các chợ thường được người bán bày trực tiếp xuống đất có lót tấm bạt hoặc bao tải. Điều này liệu có đảm bảo vệ sinh khi có hàng trăm lượt người bước đi bước lại? Bên cạnh các quầy hàng thực phẩm tươi sống, hầu hết chợ nông thôn nào cũng đều có các quầy hàng bánh cuốn, bún, phở phục vụ bà con đi chợ. Các quầy hàng ăn này được dựng lên rất sơ sài với vài bộ bàn ghế. Có hàng ăn dùng chất đốt là củi, có hàng ăn lại dùng than tổ ong khiến cho mùi khói than bốc lên khá khó chịu.

 

Ở một khía cạnh khác, chúng tôi nhận thấy nhiều người tiêu dùng vẫn còn rất thờ ơ đến vấn đề vệ sinh ATTP. Bà Đinh Thị Nở, ở xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi thường xuyên sang chợ Hích (xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ) để mua thức ăn. Từ nhiều năm nay, cứ quan sát sát thấy thịt ở hàng nào trong có vẻ tươi ngon là tôi vào mua, chẳng mấy khi quan tâm đến các quy định về vệ sinh ATTP. Bởi, tôi nghĩ người bán hàng muốn bán chạy thì thịt đều phải ngon và đảm bảo.

 

Một vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi tìm hiểu viết bài này là công tác kiểm soát, kiểm tra vệ sinh ATTP tại các chợ nông thôn dường như đang bị bỏ ngỏ. Chúng tôi đã đến nhiều phiên chợ ở các chợ nông thôn, song ít thấy sự có mặt của các cơ quan chức năng đi kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc các loại thực phẩm, điều kiện kinh doanh hàng thực phẩm của các hộ dân. Trong khi đó, các thực phẩm công nghệ có nguy cơ cao về sử dụng các chất cấm trong chế biến như: giò, chả, nem đang được bày bán rất nhiều ở các chợ này. Khi trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Chi cục vệ sinh ATTP (Sở Y tế), chúng tôi được thông tin việc kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP tại các chợ nông thôn không còn thuộc nhiệm vụ của đơn vị mà là thẩm quyền, trách nhiệm của ngành Công thương.

 

Tiếp tục đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo phòng Kỹ thuật - An toàn - Môi trường (Sở Công Thương), chúng tôi được biết công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh  ATTP tại các chợ nông thôn thực sự cũng chưa được quan tâm bởi nhiệm vụ ở đơn vị hiện khá nhiều việc, lực lượng lại mỏng, chưa thể "vươn cánh tay" tới các chợ nông thôn. Công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP chủ yếu dựa vào lực lượng ở cấp huyện, cấp xã. Khi trao đổi với một số lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Y tế  ở một huyện và Phòng Vệ sinh ATTP thuộc Trung tâm Y tế huyện, chúng tôi lại được trả lời rằng nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực ATTP không phải là chức năng chính của các đơn vị mà chủ yếu là cử cán bộ, chuyên viên phối hợp cùng tham gia đoàn kiểm tra liên ngành 389 của huyện... Tiếp tục trao đổi vấn đề này với lãnh đạo UBND cấp xã, chúng tôi được ông Vũ Duy Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (Đồng Hỷ), Trưởng ban Chỉ đạo Vệ sinh ATTP của xã, cho biết: Hằng năm UBND xã đều kiện toàn Ban chỉ đạo Vệ sinh ATTP cấp xã và xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm. Cùng với đó, xã đã tổ chức tuyên truyền các kiến thức về ATTP,  triển khai ký cam kết với các hộ kinh doanh ăn uống và tổ chức các đoàn kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng cao điểm Vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, việc kiểm tra cũng chỉ nhắc nhở, tuyên truyền là chính, chứ chưa xử phạt trường hợp nào. Khi kiểm tra, đoàn chủ yếu kiểm tra hộ kinh doanh có đảm bảo yêu cầu về thủ tục hành chính, còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm ATTP không thì không có căn cứ, cơ sở vì không có thiết bị kiểm tra.

 

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, công tác tuyên truyền, triển khai về vệ sinh ATTP ở các chợ nông thôn vẫn cần được các cấp, các ngành triển khai thường xuyên hơn. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong quản lý ATTP tại địa bàn. Hộ sản xuất, kinh doanh cũng cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP vì sức khoẻ của mỗi người dân và cả cộng đồng.