Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới: Cần phương án an toàn cho các hộ dân dưới chân cầu Cạn

11:31, 19/07/2017

Thời gian vừa qua, mưa lớn kéo dài đã khiến một khối lượng đất đá khu vực cầu Cạn - tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) trôi sạt xuống ngôi nhà của gia đình ông Nịnh Quang Chung, ở xóm Đồng Xiền, xã Yên Lạc (Phú Lương), gây mất an toàn về người, thiệt hại về tài sản. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài gia đình ông Chung, một số hộ dân đang sinh sống ở khu vực này cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến gia đình của ông Nịnh Quang Chung, xóm Đồng Xiền - hộ dân bị đất, đá sạt trôi vào khu vực nhà ở. Tại đây, đơn vị thi công tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đang cho máy móc, nhân công xúc gạt vận chuyển đất đá đã sạt trượt ra khỏi khu vực của gia đình. Ông Chung cho biết: Trước đây, hễ trời mưa to là đất và nước mưa từ taluy dương của tuyến đường xối xuống chảy thẳng vào nhà bếp của gia đình tôi nhưng khối lượng không nhiều nên gia đình không bị thiệt hại gì. Tuy nhiên, trận mưa rạng sáng 7-7 đã khiến hàng trăm mét khối đất đá từ phía trên cầu Cạn sạt xuống, ngập lưng nhà bếp và nhà chính của gia đình tôi, làm hư hỏng các vật dụng trong nhà. Hiện nay, trời mưa liên tục nên cả nhà tôi phải dựng lán ra chỗ khác ở tạm, không dám ở nhà nữa vì sợ đất đá tiếp tục trôi xuống.

 

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực dưới chân cầu Cạn không chỉ có gia đình ông Chung mà có nhiều hộ dân đang sinh sống. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân này. Ông Nịnh Quang Huy, Trưởng xóm Đồng Xiền cho biết: Xóm hiện có 11 hộ dân đang sinh sống dưới khu vực chân cầu Cạn. Trong đó, 6 hộ thuộc diện di dời, đã nhận tiền đền bù nhưng mới chỉ có 3 hộ đang di dời đến nơi ở mới. 5 hộ không thuộc diện di dời (trong đó có hộ ông Nịnh Quang Chung) vẫn đang sinh sống tại đây. Trước thời điểm xảy ra việc sạt lở đất đá vào nhà của ông Chung, xóm đã kiến nghị với chính quyền địa phương đề nghị chủ đầu tư có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực khi mưa bão hoặc hỗ trợ đền bù để họ tìm nơi ở mới nhưng chưa được. Việc sạt lở đất đá vào nhà của gia đình ông Chung vừa qua lại càng khiến cho các hộ dân ở đây lo lắng, hoang mang. Không chỉ vậy, trận mưa nhiều ngày qua đã khiến đất, đá bị trôi sạt xuống cánh đồng người dân vừa gieo cấy, có nguy cơ thất thu trong vụ này.

 

Ông Lý Văn Ninh, người dân trong xóm cho biết: Ở cánh đồng này, gia đình tôi có 5 sào ruộng thì có 2 sào sát đường dân sinh bị đất đỏ trôi tràn kín ruộng, khả năng sẽ không cho thu hoạch, đề nghị chủ đầu tư xây dựng tuyến đường có phương án để chúng tôi yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất. Còn ông Nịnh Văn Hoàn, người dân ở xóm bức xúc: Gia đình tôi là một trong 5 hộ ở khu vực này không nằm trong đối tượng đền bù, di dời khi thi công tuyến đường. Sống ở đây, hễ trời mưa là cả đêm gia đình mất ngủ vì sợ đất, đá sạt xuống. Tôi mong muốn chủ đầu tư xây dựng tuyến đường sẽ hỗ trợ các hộ dân khu vực này di dời đến nơi ở khác cho an toàn.

 

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Xuân Thụ, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc thông tin: Ngay khi sự việc sạt lở đất đá vào nhà của ông Chung, chúng tôi đã thông tin cho Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới - đại diện chủ đầu tư xây dựng tuyến đường xuống khắc phục, xử lý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lâu dài, chủ đầu tư xây dựng tuyến đường phải có phương án, giải pháp cụ thể, bởi lẽ, theo cá nhân tôi, khu vực chân cầu Cạn số 3 (khu vực sạt lở xuống nhà ông Chung) đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, có thể sạt lở nếu trời vẫn mưa như hiện nay. Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Trước những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn với các hộ dân ở chân khu vực cầu Cạn của tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới, huyện đã đề nghị chủ đầu tư mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ các hộ dân ở khu vực di dời nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đơn vị này.

 

Thông tin về hiện tượng sạt lở trên, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết: Xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi qua nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, đặc biệt là ở khu vực cầu cạn phải bạt núi đá mở đường. Theo phương án thiết kế ban đầu được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt, khu vực này sẽ làm đường có hệ thống chắn. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thì thấy vị trí này có nguy cơ sạt trượt cao, do đó, Bộ Giao thông - Vận tải có điều chỉnh làm hệ thống cầu Cạn, nhằm hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng sau khi tuyến đường hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng. Ở vị trí sạt trượt khiến đất đá trôi xuống nhà ông Nịnh Quang Chung chính là khu vực tụ thủy. Tức là toàn bộ lượng nước trên đồi (phía taluy dương) và nước trên mặt đường đều đổ xuống chân cầu Cạn số 3, dẫn đến lưu lượng nước đổ xuống taluy âm rất lớn. Hơn nữa, trong quá trình thi công, nhà thầu đã đổ đất thải xuống dưới chân cầu và đất chưa thanh thải hết, do đó, với lượng nước lớn xối từ trên xuống như vậy đã cuốn theo đất, đá dưới chân cầu trôi xuống nhà ông Chung. Trước sự việc trên, chúng tôi đã cho máy móc, nhân công xử lý, giải phóng toàn bộ đất đá sạt trượt, đồng thời, mời đơn vị tư vấn thiết kế cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra để xây dựng phương án xử lý triệt để. Còn về việc đất đá trôi xuống ruộng như các hộ dân phản ánh, chúng tôi sẽ cử cán bộ kiểm tra, nếu bị ảnh hưởng sẽ có phương án hỗ trợ cho bà con.