Vì mục tiêu nâng cao vị thế con người

07:46, 11/07/2017

Thực hiện đầu tư vào công tác kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) chính là đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe và góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ, các cặp vợ chồng. Năm 2017, với chủ đề “Kế hoạch hóa gia đình: Nâng cao vị thế con người và phát triển đất nước phồn vinh” được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn, cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung vào những hoạt động thiết thực, góp phần giảm sự gia tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chia sẻ: Nhiều người thường hiểu đơn giản, KHHGĐ chỉ là việc sinh 1 hay 2 con. Cách hiểu đó không sai, tuy nhiên chưa đầy đủ. Trên thực tế, cần phải hiểu một cách đầy đủ về Kế hoạch hoá gia đình là việc lập kế hoạch cho việc sinh con, khi nào sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, việc sử dụng các biện pháp phù hợp để nhằm mục đích đó. Trong đó bao gồm việc giáo dục giới tính, ngăn chặn và quản lý các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tư vấn trước khi mang thai, quản lý mang thai, và quản lý vô sinh. Về lợi ích của KHHGĐ mà mọi người thường hay nhắc tới, đó là lợi ích về sức khỏe như: trẻ em khỏe mạnh hơn, hàng trăm nghìn phụ nữ không phải bỏ mạng vì sinh nở, và hàng triệu ca phá thai được ngăn chặn. Nhưng sức khỏe không phải là lợi ích duy nhất, KHHGĐ còn có quan hệ mật thiết với sự thịnh vượng của từng gia đình, từng quốc gia và của cả thế giới. Lợi ích kinh tế đối với những nước có các chương trình KHHGĐ mạnh mẽ là hết sức to lớn. Người dân đang chuyển dịch từ mô hình gia đình lớn - tuổi thọ ngắn sang gia đình nhỏ - tuổi thọ dài và chúng ta cũng cần nhớ rằng 3 yếu tố sức khỏe, quy mô gia đình và sự giàu có là không thể tách rời.

 

Những năm qua, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác DS - KHHGĐ của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2016, tỷ suất sinh thô đạt 15,51‰ (giảm 0,72‰ so với năm 2015), số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên giảm so với năm 2015; kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 103,9% kế hoạch; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng 1,8% so với năm trước. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, nhận thức của người dân về KHHGĐ đã có sự chuyển biển rõ rệt.

 

Anh Nguyễn Văn Lâm ở xóm Vầu, xã Tân Hòa (Phú Bình) cho biết: Qua việc được nghe tuyên truyền cũng như tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết khoảng cách giữa các lần sinh ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tâm lý của con trẻ cũng như sức khỏe của người mẹ. Do vậy, dù con đầu lòng của vợ chồng tôi đã hơn 2 tuổi nhưng chúng tôi vẫn đang thực hiện KHHGĐ để tránh mang thai ngoài ý muốn, giãn khoảng cách sinh và có điều kiện để tập trung phát triển kinh tế gia đình.

 

Ở những vùng dân tộc, nơi có mức sinh cao, các chính sách KHHGĐ càng được đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa đến người dân. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định số 39/2015/NĐ - CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ cũng góp phần không nhỏ vào việc thay đổi suy nghĩ về KHHGĐ của nhiều đồng bào. Chỉ tính riêng huyện Võ Nhai, trong 2 năm 2015 và 2016 đã tiến hành hỗ trợ gần 600 triệu đồng cho 293 phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số. Khi nhận tiền hỗ trợ, các gia đình trên đều tự nguyện cam kết thực hiện đúng chính sách dân số của Nhà nước.

 

Chị Lý Thị Hoa ở xóm Bản Chương, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) bộc bạch: Vợ chồng tôi sinh được hai con, một gái, một trai. Sau khi sinh con thứ 2, tôi được cán bộ dân số xã tuyên truyền là nếu không sinh thêm con nữa sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Thêm nữa, cán bộ cũng nói nhà nghèo không nên đẻ thêm nữa, nếu đẻ thêm thì sẽ càng khổ, mình không nuôi được, con cái không được học hành đến nơi đến chốn. Vậy nên hai vợ chồng tôi bàn nhau là sẽ không đẻ nữa.

 

Tuy nhiên, công tác KHHGĐ trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ số giới tính những năm gần đây tuy có giảm qua các năm nhưng vẫn ở mức tương đối cao, tính đến hết tháng 6-2017, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh là 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số huyện như Đồng Hỷ, Phú Lương… tỷ số giới tính khi sinh ngày càng có xu hướng tăng cao. Tỷ lệ phá thai, đặc biệt là phá thai ở tuổi vị thành niên, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Tốc độ già hóa dân số nhanh; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế.

 

Trước thực trạng đó, ngành DS - KHHGĐ đã xác định những bước đi trong năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, tập trung vào mục tiêu chính: tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của địa phương. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, truyền thông được xác định là khâu chủ chốt, làm “cầu nối” để đưa những chính sách, mục tiêu mà ngành đặt ra đến được với người dân một cách thiết thực và hiệu quả. Kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh; triển khai các hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh giảm thiểu những bệnh, tật liên quan đến di truyền gen… là những nhiệm vụ được chú trọng ở giai đoạn trước mắt.

 

Bên cạnh đó, ngành DS - KHHGĐ cần tập trung có định hướng về công tác Dân số - KHHGĐ phù hợp với tình hình thực tiễn ở mỗi địa phương. Đối với những địa phương có mức sinh thấp và đã ổn định, bên cạnh việc tiếp tục ổn định mức sinh, cần tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, đồng thời có giải pháp ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Đối với những địa phương có mức sinh và sinh con thứ 3 trở lên cao, cần tiếp tục tăng cường thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Cùng với đó, cần bảo vệ quyền của thanh niên, vị thành niên, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên. Thực hiện tốt việc giáo dục kỹ năng sống, tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện cho lứa tuổi vị thành niên nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.