Xây dựng vườn thuốc Nam mẫu ở Đồng Hỷ: Hiệu quả chưa cao

07:33, 28/07/2017

Mặc dù không bắt buộc phải có nhưng vườn thuốc Nam mẫu là một trong những nội dung chấm điểm được quy định trong Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020 (tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 7-11-2014 của Bộ Y tế). Bởi thế nên các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đều có vườn thuốc Nam mẫu. Tuy nhiên, việc duy trì và phát huy hiệu quả sử dụng ở những vườn này chưa thực sự như mong muốn.

Bà Vũ Thị Bích Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Lợi cho biết: Vườn thuốc Nam mẫu của Trạm Y tế xã Tân Lợi rộng 350m2 được xây dựng từ năm 2012 với trên 50 loại cây thuốc Nam với những loại cây dễ trồng, chữa các loại bệnh thông thường như: cảm sốt, dị ứng, ho, viêm phế quản... Để phát triển vườn thuốc Nam, cán bộ, nhân viên trong Trạm thường xuyên phát, nhổ cỏ và tìm thêm các cây thuốc về trồng. Nhiều người dân trong xã đã đến Trạm để xin cây thuốc về dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chưa thực hiện được việc cắm tên biển các loại thuốc trong vườn...

 

Từ xa xưa, việc sử dụng các bài thuốc Nam để chữa bệnh đã được nhiều người dân sử dụng bởi độ an toàn, ít gây tác dụng phụ, lại dễ tìm, dễ trồng. Việc xây dựng vườn thuốc Nam mẫu tại các trạm y tế xã không chỉ giới thiệu về cây thuốc Nam và cách sử dụng mà còn có tác dụng khuyến khích người dân nhân giống các loại cây này trong vườn nhà mình để sử dụng khi cần. Nhờ có vườn thuốc Nam mẫu, các trạm y tế xã đã có điều kiện kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong điều trị bệnh đạt hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, các vườn thuốc Nam mẫu còn tạo cảnh quan đẹp, tăng khoảng không gian xanh, trong lành cho các trạm y tế xã. Chính vì lẽ đó, các trạm y tế xã trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đều đã dành quỹ đất trong khuôn viên của trạm để xây dựng vườn thuốc Nam mẫu. Cây thuốc được trồng tại các vườn thuốc Nam mẫu là những loại thường gặp như: chanh, sả, tía tô, gừng, hẹ, ngải cứu, sa nhân, bông mã đề, kim ngân, mắt trâu…

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy vườn thuốc Nam mẫu ở một số trạm y tế xã vẫn chưa được chăm sóc tốt. Do đó, một số cây thuốc bị gầy guộc, chậm phát triển, thậm chí bị chết. Một số vườn thuốc chưa thường xuyên được phát dọn, cỏ mọc um tùm che lấp cả cây thuốc. Ngoài ra, một số vườn thuốc Nam mẫu cũng chưa phân lô, chia được nhóm các loại thuốc, chưa cắm được biển tên cây thuốc... Bên cạnh đó, các vườn thuốc Nam mẫu cũng chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng khi các trạm y tế không thể tự bào chế được thuốc do chưa có cán bộ chuyên môn, chưa có dụng cụ bào chế. Do vậy, nhiều loại cây thuốc đã phải chặt đi khi phát dọn vườn. Điển hình như cây sa nhân, cây mần tưới được trồng ở vườn thuốc Nam Trạm Y tế xã Tân Lợi, phải phạt đi 1/3 mỗi khi dọn vườn. Bà Trần Thu Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Trại Cau chia sẻ: Vườn thuốc Nam mẫu của Trạm có diện tích là 220m2 với khoảng 40 loại cây thuốc chữa các bệnh thường gặp. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực mỏng, nhiều việc nên nhiều khi chúng tôi chưa phát dọn, nhổ cỏ cho vườn thuốc Nam được kịp thời, thường xuyên.

 

Ông Hồ Sỹ Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ cho biết: Mặc dù không bắt buộc phải có nhưng vườn thuốc Nam mẫu lại là tiêu chí chấm điểm được quy định trong Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020. Do vậy, 18/18 trạm y tế xã đều xây dựng được vườn thuốc Nam mẫu. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, xây dựng lại các hạng mục công trình, vườn thuốc Nam mẫu ở một số trạm y tế xã đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã và đang chỉ đạo các trạm quan tâm phục hồi vườn cây thuốc Nam để tuyên truyền, giới thiệu các bài thuốc Nam đơn giản cho người dân khi đến khám, chữa bệnh tại trạm...