Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Bắc Thái ngày ấy với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt - vì Khánh Hòa thân yêu”, hàng vạn con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã hăng hái lên đường ra trận. Họ đã có mặt ở khắp các chiến trường miền Nam - Lào - Campuchia, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Năm 1975, với sự toàn thắng của quân và dân ta, chiến tranh kết thúc, hòa bình được lập lại, nhưng trong số những người ra đi ấy có nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường; nhiều người để lại một phần máu thịt và trở thành thương, bệnh binh; có một số may mắn lành lặn. Nhưng, với các đồng chí thương binh, bệnh binh hay những người lành lặn trở về từ vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học thì phần đông bị phơi nhiễm chất độc da cam /đi-ô-xin ở mức độ khác nhau.
Từ đó đến nay, hàng nghìn người đã chết, số còn lại đang phải chống chọi với nhiều loại bệnh tật khác nhau, kể cả bệnh hiểm nghèo. Không những thế, do di chứng của chất độc da cam, thế hệ con cháu khi sinh ra đã bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Phần lớn các gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) sống ở nông thôn, bệnh tật và tuổi tác làm cho sức lao động không còn, lại phải gồng mình nuôi những đứa con không được may mắn có gia đình 2-3 nạn nhân trở nên, nên nhiều người lâm vào cảnh nghèo khó.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh quan tâm giúp đỡ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hưởng ứng phong trào “Hành động vì NNCĐDC” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, tỉnh ta đã có nhiều chương trình hành động với nội dung, mục tiêu, giải pháp cụ thể và đạt được nhiều kết quả, nổi bật là năm 2011 tỉnh đã thành lập Quỹ NNCĐDC/đi-ô-xin. Để tránh sự trùng lặp trong huy động quỹ và hỗ trợ nạn nhân, từ năm 2014, Quỹ bảo trợ NNCĐDC được sáp nhập vào Quỹ NNCĐDC/đi-ô-xin và giao Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh là cơ quan thường trực quỹ.
Để từng bước giúp đỡ các NNCĐDC, những năm qua, Hội NNCĐDC tỉnh đã tích cực vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ. Số quỹ thu được đã giúp đỡ nhiều nạn nhân với các hình thức cụ thể như: thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết, Ngày “Vì NNCĐDC” (10-8): 67.809 suất; làm 427 ngôi nhà mới cho nạn nhân; sửa chữa 128 nhà; hỗ trợ 1.864 nạn nhân điều trị bệnh hiểm nghèo; khám, tư vấn sức khỏe cấp thuốc miễn phí cho 25.080 nạn nhân; hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất xóa đói, giảm nghèo: 1.646 nạn nhân; hỗ trợ sách giáo khoa và học bổng cho 2.774 con, cháu nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn; tặng 90 chiếc xe lăn cho nạn nhân bị bại liệt; thăm hỏi ốm đau, phúng viếng 2.948 nạn nhân qua đời. Từ sự góp sức của cộng đồng đã giúp nhiều gia đình NNCĐDC vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong việc xây dựng quỹ, ngoài nguồn quỹ cấp tỉnh, nhiều địa phương làm tốt công tác vận động ủng hộ Quỹ như: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình, T.P Sông Công… Trong phong trào ủng hộ quy, đã có nhiều cơ quan, đơn vị liên tục ủng hộ hàng năm với số lượng cao, như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thái Nguyên, Bộ CHQS tỉnh, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Thái Nguyên, Bệnh viện A, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, Hiệp hội Du lịch tỉnh cùng nhiều đơn vị khác.
Đặc biệt, còn một sự giúp đỡ, chăm sóc, nuôi dưỡng các nạn nhân không thể đo đếm bằng tiền bạc, đó là sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ, người bà có chồng, con, cháu bị bại liệt, dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ, tâm thần do di chứng của CĐDC.
Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nói chung, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, ủng hộ, giúp đỡ các NNCĐDC nói riêng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc khắc phục hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam; ngày 22-5-2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 21/CT-TTg về việc đẩy mạnh công tác chăm sóc người có công trong đó có NNCĐDC và con, cháu họ. Để thực hiện hiệu quả công tác này, thời gian tới, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu với UBND tỉnh, quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát động các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học tiếp tục quan tâm ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC cả về vật chất và tinh thần để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Để huy động nhiều hơn nữa sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào Quỹ NNCĐDC, năm nay, Hội NNCĐDC tỉnh tổ chức vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ NNCĐDC tỉnh tập trung vào dịp kỷ niệm 56 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2017), Ngày “Vì NNCĐDC” (10-8). Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”, tin tưởng rằng sẽ có nhiều tấm lòng của các tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam thông qua những hành động thiết thực nhất, ủng hộ cả về vật chất và tinh thần để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam...