Gặp người phụ nữ được vẽ trên tờ tiền Việt Nam

14:27, 26/08/2017

Vô tình được chọn làm người mẫu vẽ trên tờ tiền hai đồng, rồi cũng vô tình được giới thiệu vào làm trong ngành Ngân hàng để rồi sau này, con trai, con gái, con dâu, con rể của bà cũng làm trong lĩnh vực ngân hàng, kho bạc và đều là những cán bộ liêm khiết, mẫu mực… Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là bà Nông Thị Duyền, xóm Sơn Tiến, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên), nguyên cán bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Mặc dù đã bước sang tuổi 82 nhưng bà vẫn rất minh mẫn và nụ cười luôn thường trực khi trò chuyện với chúng tôi. Nhớ về kỷ niệm được làm người mẫu vẽ trên tờ tiền hai đồng năm ấy, bà bảo cứ ngỡ như vừa mới đây. Đó là một ngày của năm 1954, khi bà cùng mấy người bạn mang trứng gà ra chợ bán, thì có một họa sĩ ngỏ ý muốn vẽ hình một trong số nhóm bạn của bà. Và bà được các bạn “tiến cử” bởi mọi người đều chung nhận xét là xinh nhất. Bà ngại ngùng quay đi, chối đây đẩy, nhưng với sự tài tình, người họa sĩ ấy vẫn phác họa khá rõ nét chân dung bà và cũng đã kịp xin được địa chỉ của bà. Sự việc diễn ra chóng vánh và không để lại nhiều ấn tượng đối với bà nên sau đó, bà đã không nhớ nhiều đến chi tiết đó nếu như…

Tháng 2-1956, bước sang tuổi 20 bà kết hôn với ông Ma Văn Trường người cùng quê, công tác tại Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội. Theo chồng về Thủ đô, bà được nhận vào làm văn thư ở cơ quan ông. 2 năm sau - năm 1958, tức là sau 4 năm người họa sĩ năm xưa quay lại Cao Bằng để tìm lại người mẫu trong bức ảnh thì được người nhà cho biết, bà đã chuyển đến nơi ở mới. Một thời gian ngắn sau, người họa sĩ ấy tìm gặp bà với lời đề nghị được tiếp tục vẽ bà với mục đích để trưng bày triển lãm. Được sự đồng ý của Hiệu trưởng, bà đã rong ruổi hàng tháng trời để người họa sĩ ấy thực hiện khá nhiều bức họa khác nhau. Khi đó, ngoài bà, còn có 2 người mẫu nam khác, một người tên Đại là bộ đội, một người tên Bình, làm ở Nhà máy Sao Vàng. Riêng ông Bình được hóa thân đại diện cho 2 tầng lớp là trí thức và công nhân; còn ông Đại trong vai bộ đội. Duy có bà là nữ, hóa thân trong vai người nông dân, cầm bó lúa được cắt từ cánh đồng huyện Đông Anh (Hà Nội). Thời gian trôi đi, việc được chọn làm người mẫu để vẽ cũng dần không còn lưu lại nhiều trong tâm trí bà, cho đến 4 năm sau…

Tháng 11-1958, Trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội giải thể. Lúc này, chồng bà đã sang Liên Xô du học, còn bà thì được Nhà trường giới thiệu về Công ty Bách hóa Cao Bằng. Tuy nhiên, do Công ty Bách hóa Cao Bằng trong thời gian này cũng bị giải thể nên bà buộc phải cầm Giấy giới thiệu đến gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy để xin được bố trí công việc khá và được giới thiệu đến liên hệ với Ngân hàng Quốc gia tỉnh. Khi ông Giám đốc Ngân hàng hỏi: Cháu có biết kiểm ngân không, thì bà đã rất lúng túng vì không biết kiểm ngân là gì? Sau đó, bà được hỏi có biết đếm tiền không, thì bà tự tin đáp: Dạ, đếm tiền thì biết, còn kiểm ngân thì cháu không. Thế rồi, bà được nhận vào làm cán bộ kiểm ngân của ngân hàng. Và sau này, bà mới nhận ra rằng, bà đến với ngành Ngân hàng như một cơ duyên…

Ngày 27-2-1959, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 15/SL cho phép Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành tiền mới, thay đổi đơn vị tiền tệ, thu đổi tiền cũ đang lưu hành và bà được giới thiệu làm thành viên Ban đổi tiền của tỉnh. Cho đến lúc này, khi cầm tờ tiền Hai đồng lên xem, bà mới ngỡ ngàng nhận ra hình của mình được in trên tờ tiền đó. Cầm tờ tiền, bà chạy khoe khắp các anh chị em trong cơ quan. Nhiều người không tin còn bảo, làm gì có chuyện đó. Nhưng khi nhìn kỹ thì họ mới tin đúng là người phụ nữ duy nhất trong bốn người được vẽ trên tờ tiền ấy là bà.

Nhớ đến chi tiết ấy, đôi mắt bà chợt ánh lên niềm vui khó tả: Đến khi đó, tôi mới biết mình có mặt trên tờ tiền, chứ trước đó, người họa sĩ vẽ tôi chỉ nói mục đích vẽ là để trưng bày triển lãm. Một vài triển lãm tranh, ảnh về Hà Nội được tổ chức sau đó, tôi cùng chồng đều cố gắng đến xem nhưng chỉ duy nhất thấy có một bức vẽ hôm tôi cùng chồng đi chơi ở Ga Hà Nội…

Sau khi làm ở Ngân hàng Quốc gia tỉnh Cao Bằng được 3 năm, bà được cử đi học tại Trường Trung cấp Ngân hàng ở Hà Nội, rồi được nhận về làm tại Ngân hàng Quốc gia Trung ương 1 năm, sau đó chuyển về Ngân hàng Quốc gia tỉnh Thái Nguyên từ năm 1962, cho đến năm 1993 thì về nghỉ hưu. Khi đó, bà là Phó trưởng Phòng Hành chính.

Nói về chồng bà sau khi du học ở Liên Xô về, năm 1966, ông được chuyển về làm Trưởng khoa Hóa, rồi làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, nay là Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Ông hơn bà 5 tuổi và là cán bộ tiền khởi nghĩa. Một điều bất ngờ là ông khi mới 14 tuổi đã đi làm văn thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó được cử sang Trung Quốc học từ lớp 6 đến lớp 10, tại Trường Khu học xá Trung Quốc. Năm 2016, ông qua đời, thọ 85 tuổi. Giờ đây, mỗi tháng, bà vẫn đều đặn được hưởng trợ cấp 850.000 đồng tiền hương khói dành cho thân nhân cán bộ tiền khởi nghĩa, cả ông và bà đều đã trên 55 năm tuổi Đảng.

Bà tâm sự: Việc được chọn làm người mẫu vẽ trên tờ tiền, rồi sau đó lại được nhận vào làm tại Ngân hàng, đối với tôi đó là một cơ duyên và tôi thấy mình thật may mắn. Để rồi sau này, trong số 3 người con của tôi có người con trai thứ hai và cô con gái út đã theo nghiệp mẹ. Tuy nhiên, năm 1990, khi Ngân hàng Nhà nước có sự chia tách, con trai bà đã chuyển sang làm tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Nguyên và hiện làm ở Kiểm toán khu vực X. Ngoài ra, con rể của bà cũng làm tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Suốt bao năm gắn bó với ngành Ngân hàng, bà luôn được biết đến là một cán bộ liêm khiết, tận tụy với công việc. Và điều đó luôn được bà răn dạy, nhắc nhở đối với các con, cháu. Hiện cả 6 người con: trai, gái, dâu, rể của bà đều là cán bộ nhà nước và đều là đảng viên, được giữ những chức vụ trưởng, phó phòng, trong các cơ quan, đơn vị. Các cháu nội, ngoại của bà đều là những học sinh, sinh viên chăm ngoan, học giỏi. Bà bảo: Mặc dù ông đã đi xa, nhưng sự trưởng thành của các con cháu luôn là nguồn vui, nguồn động lực để bà sống vui, sống khỏe…

Chia tay bà, chúng tôi không thể nào quên nụ cười đôn hậu của bà - người từng là một trong những người mẫu đầu tiên được in trên tờ tiền của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và có lẽ ai đó đã đúng khi nói cuộc đời nhiều khi không thể thiếu một chữ “duyên”.