Ghi nhận ở một mô hình tổ dân vận khéo

10:51, 28/08/2017

Thời gian qua, Tổ dân vận xóm Cà Phê 1, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã phát huy vai trò làm tốt công tác vận động quần chúng ở cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương. Từ đó, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, giúp bà con khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ của các cấp ngành trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Phạm Hùng Vinh đã chuyển đổi gần 4.000m2 chè trung du sang giống chè cành cho hiệu quả năng suất cao. Nhờ thực hiện đúng quy trình hướng dẫn trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap, gia đình ông Vinh đã có thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm.

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Vinh cho biết thêm: Tổ dân vận kết hợp cùng người có uy tín trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất chè an toàn và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây, các hộ phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây chè vô tội vạ, không đúng quy trình, phun xong vỏ lọ, vỏ thuốc vứt bừa bãi trên các bãi chè, đường đi thì nay tình trạng này đã không còn. Sau khi phun thuốc, bà con đã biết thu gom vào các thùng rác để các đơn vị chức năng đến đem đi tiêu hủy. Đến nay, gần như 100% số hộ đã đưa các giống chè mới vào sản xuất thay thế diện tích chè trung du năng suất thấp, hay bị sâu bệnh, nhờ vậy hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

Xóm Cà Phê 1 có 169 hộ dân với 700 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính của bà con trong xóm chủ yếu dựa vào cây chè. Hiện nay, xóm có 48/50ha chè cành, trong đó có 34ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Nếu như cách đây 5 năm, năng suất chè chỉ đạt 70-80 tạ/ha, thì nay đã tăng lên 110 tạ/ha, với giá bán trung bình 170 nghìn đồng/kg chè búp khô, chè vụ đông đạt 250 nghìn đồng/kg. Trên địa bàn xóm có hàng chục hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng chè như hộ ông Huỳnh Tuấn Nghĩa, ông Lê Huy Quang, bà Nguyễn Thị Hoa…

Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chi bộ, đặc biệt là công tác vận động quần chúng của Tổ dân vận xóm. Từ ngày thành lập đến nay, Tổ luôn duy trì sinh hoạt đều đặn, nội dung bám sát nghị quyết của Đảng ủy, chi bộ. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Đặng Văn Sử, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận xóm cho biết: Tổ dân vận có 10 thành viên. Chúng tôi đã phân công nhiệm vụ cho các tổ viên phụ trách từng khu vực. Bám sát nhiệm vụ được phân công, các thành viên trong tổ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây chè; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng theo đúng quy trình, liều lượng; thu gom các chai lọ, bao bì để đúng nơi quy định. Nhờ vậy, bà con trong xóm đã hiểu việc vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách, người gánh chịu hậu quả đầu tiên chính là bản thân mình nên các hộ đã nêu cao ý thức tự giác, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Không những tuyên truyền về vấn đề vệ sinh môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi, mà kể cả trong việc chôn cất người mất, cải táng. Nếu như 3 năm trước, nhà ai có người mất, các gia đình tự ý chọn khu đất đẹp để chôn cất, thì nay xóm đã quy hoạch theo hàng lối; sau khi cải táng không còn tình trạng vỏ quan tài, quần áo người chết vứt bãi nữa mà đã được thu gom lại xử lý.

Bên cạnh đó, Tổ dân vận của xóm còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy ước, hương ước, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, sâu sát với nhân dân, giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân một cách kịp thời. Làm việc cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lập khẳng định: Cà Phê 1 là vùng sản xuất chè trọng điểm của xã, nhân dân cũng sớm được tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua hoạt động của cán bộ khuyến nông. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với Tổ dân vận của xóm trong việc triển khai đưa các giống chè giâm cành vào sản xuất. Thông qua các lớp tập huấn về cách sản xuất, chăm sóc, chế biến sản phẩm chè và sản xuất nông lâm nghiệp, người dân xóm Cà phê 1 đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. Cụ thể, hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân trong xóm đạt 40 triệu đồng/người/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 30 triệu đồng/người/năm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, mức thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 45 triệu đồng/người/năm, thì xóm kiểu mẫu Cà Phê 1 phải tăng 20% so với mức này.

Đánh giá về kết quả bước đầu thực hiện mô hình dân vận khéo, đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đồng Hỷ khẳng định: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua cấp ủy các cấp, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội của huyện đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ của từng địa phương. Đến nay, 100% các Đảng bộ xã, thị trấn trong toàn huyện đã xây dựng được mô hình dân vận khéo. Qua hoạt động của Tổ dân vận, chúng tôi thấy rằng mối đoàn kết, tương thân tương ái cũng như những chia sẻ trong sản xuất giữa các hộ dân đã được thường xuyên, quan tâm hơn… góp phần tổ chức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương và toàn huyện. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Có thể thấy, hiệu quả của các mô hình dân vận khéo không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hoá ở khu dân cư, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn mà còn củng cố hoạt động của các chi bộ đảng, chính quyền, khối dân vận cơ sở thêm vững mạnh và góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.