Giải quyết sụt lún - Bài học luôn mới (Kỳ III)

14:20, 04/08/2017

Việc giải quyết sụt lún đã và đang là vấn đề nan giải. Theo các chuyên gia, sụt lún là hiện tượng thường gặp trong khai mỏ. Để tránh tối đa những ảnh hưởng của hiện tượng này đến đời sống dân sinh, các ngành, đơn vị liên quan cần thực hiện bài bản các bước tiền khai mỏ, trong đó quan trọng nhất là tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng. Đây gần như là yêu cầu bắt buộc và cũng là phương án phòng bị tối ưu để tránh hậu quả xấu xảy ra.

Giải pháp nào khả thi?
 

Tính mạng của người dân là trên hết

 

Khi hiện tượng sụt lún đã xảy ra, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, giải pháp quan trọng trước mắt chính là bảo đảm tính mạng, tài sản và ổn định cuộc sống cho bà con. Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu huyện Đại Từ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Công ty Than Núi Hồng tiến hành rà soát, kiểm đếm và xây dựng ngay phương án đền bù, hỗ trợ di dời 6 hộ dân ở các xóm Đồng Ỏm, Đồng Cẩm (xã Yên Lãng) nằm sát moong khai thác và hỗ trợ di dời tiếp 5 hộ còn lại bị sụt lún nghiêm trọng do việc khai thác than gây ra. Đồng thời, giao cho Sở Xây dựng tiếp tục đánh giá chất lượng các công trình nhà ở dân cư trong khu vực bị ảnh hưởng để làm cơ sở đền bù, di dời.

 

Đối với khu vực Mỏ sắt Trại Cau, để bảo đảm tính mạng của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Đồng Hỷ và Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên trước mắt cần thực hiện việc bố trí tái định cư và bồi thường để chuyển 9 hộ dân bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng ra bên ngoài. Đây được xem là một trong những giải pháp khẩn cấp của tỉnh nhằm ổn định tình hình, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, đặc biệt là trong mùa mưa bão hiện nay.

 

Theo chúng tôi, đối với trường hợp nào đã rõ trách nhiệm thì chính quyền cần đôn đốc, yêu cầu DN nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, trường hợp nào chưa rõ ràng, một mặt đẩy nhanh tiến độ xác định chủ thể, mặt khác chính quyền phải có phương án bố trí kinh phí giải quyết thỏa đáng cho bà con. Có thể là ứng kinh phí từ nguồn dự phòng, nguồn phòng chống thiên tai hoặc vận động DN ứng trước, có phương án đối trừ sau. Nếu cứ chờ xác định rõ ràng chủ thể rồi mới giải quyết thì e rằng khi tình huống xấu xảy ra sẽ không kịp trở tay, thiệt hại lớn gấp bội.

 

Cần giải quyết tận gốc vấn đề

 

Hiện tượng sụt lún trong khai khoáng là khó tránh khỏi, nhất là đối với mỏ khai thác tầng sâu, nơi có địa chất khác biệt. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cần có phương án phòng bị ngay từ đầu. Chúng ta đều biết một thực tế hiện nay là, mỏ khoáng sản và dân cư vẫn thường ở xen kẽ. Các DN vẫn quen bồi thường đến đâu khai mỏ đến đó mà không cần biết quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đã có trường hợp giải phóng mặt bằng kiểu “xôi đỗ”, bồi thường đất vườn giá rẻ nhưng không bồi thường đất thổ cư và nhà ở. Bởi thế mới có trường hợp DN liều đưa máy xúc vào múc mỗi chỗ một ít khiến nhà bị nứt tường, đường đi lại thành thùng, vũng, sạt lở rất nguy hiểm.

 

Mỏ sắt Trại Cau thực hiện Dự án khai thác Tầng sâu Núi quặng với diện tích 27ha, có 125 hộ dân bị ảnh hưởng và phải tái định cư. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị chưa tính được mức độ ảnh hưởng rộng lớn của việc khai thác mỏ tầng sâu. Bởi vậy, sau khi hoạt động được khoảng 4 năm, số hộ trong diện ảnh hưởng ở đây đã tăng thêm tới cả trăm trường hợp. Đối với Mỏ than Núi Hồng cũng tương tự. Mặc dù đã quy hoạch dự án, nhưng chưa bồi thường giải phóng được toàn bộ mặt bằng nên gần như mỏ và nhà dân gần kề nhau. Có thời điểm, người dân còn tiến hành đào than ngay tại ruộng, vườn nhà mình mang đi tiêu thụ, Mỏ và chính quyền nhiều lần tổ chức ngăn chăn nhưng không được. Theo các chuyên gia môi trường thì thường DN được cấp phép khai thác khoáng sản đều không thực hiện đúng quy trình bắt buộc đó là phải giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến khu tái định cư để ổn định đời sống, sau đó mới tiến hành khai mỏ. Ngay như Dự án Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (vẫn được xem là hình mẫu của tỉnh về triển khai các bước an sinh xã hội trước khi tổ chức sản xuất) cũng gặp những tình huống khó lường. Chủ dự án mất mấy năm đầu tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư, hỗ trợ nghề nghiệp cho người dân vùng ảnh hưởng. Bài bản như vậy mà khi bắt tay vào khai thác vẫn gây tác động tiêu cực đến đời s?ng người dân, huống chi các dự án khai khoáng chưa được triển khai theo quy trình.

 

Mặt khác, các nhà chuyên môn cũng cho rằng, khi đánh giá tác động môi trường, địa chất, đơn vị tư vấn cũng như cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét thật kỹ càng để lường hết được mức độ và phạm vi ảnh hưởng của hoạt động khai khoáng ra xung quanh. Với Mỏ sắt Trại Cau, đáng lẽ khi tiến hành dự án mới ở Tầng sâu Núi quặng phải nhớ lắm bài học sâu sắc từ trường hợp sụt lún do khai thác tại khai trường Thác Lạc làm mất bao nhiêu thời gian, tiền của mấy năm về trước mới phải. Còn Mỏ than Núi Hồng khi mở rộng khai thác ở Đồng Ỏm, Đồng Cẩm cũng phải biết để rút kinh nghiệm từ vụ việc sụt lún tại xóm Cạn, xã Ký Phú (Đại Từ) đầu năm 2010, đồng thời cũng nên cảnh giác với địa chất đặc trưng, khi khai thác ở tầng sâu thường rút nước, gây sụt lún, mới đúng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Chính, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường khẳng định: Giải quyết sụt lún tận gốc phải làm ngay từ khâu chuẩn bị các điều kiện thực hiện dự án. Lý do khiến các dự án khai khoáng nói trên không kiểm soát được hậu quả sụt lún ngay từ đầu là bởi dự án lớn, được cấp phép từ lâu, công tác điều tra, đánh giá còn đơn giản, nên chưa nhận định được hết mức độ ảnh hưởng…

 

Thay lời kết

 

Từ những phân tích trên cho thấy, để giải quyết tận gốc vấn đề, rất cần các DN khai khoáng phải nghiêm túc thực hiện theo quy trình, quy định của Nhà nước về thực hiện dự án. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, giám sát DN thực hiện nghiêm quy định trước khi tiến hành khai mỏ.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều mỏ khoáng sản đã, đang và sẽ tiến hành khai thác, trong đó có nhiều mỏ có địa chất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây sụt lún, mất nước, nứt nhà. Nếu không thực hiện đúng quy trình kiểm soát ngay từ đầu, chắc chắn hiện tượng sụt lún sẽ còn tiếp tục tái diễn ở nhiều nơi. Chẳng nói đâu xa, ngay như ở huyện Đồng Hỷ, gần Mỏ sắt Trại Cau còn có Mỏ sắt Tiến Bộ, trữ lượng hàng triệu tấn đang trong giai đoạn đầu triển khai. Ở huyện Đại Từ, Phú Lương cũng có nhiều mỏ than đang khai thác tầng sâu. Tất cả đều nằm gần các khu dân cư. Nếu không thực hiện nghiêm quy trình ngay từ đầu, hoặc tính toán các phương án phòng bị lâu dài, khả năng lại xuất hiện sụt lún như ở Trại Cau, Yên Lãng là hoàn toàn có thể. Người ta tính được rằng, nếu giải quyết tận gốc vấn đề sẽ không chỉ giảm chi phí, thời gian hơn nhiều lần so với khi phải chạy theo sự đã rồi mà còn giúp bảo đảm an ninh trật tự, ổn định cuộc sống người dân và sản xuất của DN.