Trong vài năm trở lại đây, tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa, lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng. Để khắc phục tình trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Võ Nhai đã khuyến khích các hội viên thành lập mô hình làm việc tập trung tại chỗ. Mô hình đầu tiên được thành lập là Tổ móc tóc giả tại xã Lâu Thượng.
Đây là tổ chuyên làm tóc giả do chị Hoàng Thị Xuân làm Tổ trưởng. Tổ bắt đầu thành lập từ năm 2016. Chị Xuân cho hay: Nhận thấy kỹ thuật móc tóc giả dễ học, nhẹ nhàng mà đem lại thu nhập khá cao nên tôi đã báo cáo và phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để xin ý kiến. Sau khi được Hội cho phép và cùng vào cuộc, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, Tổ đã thu hút được 40 phụ nữ, độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi trong xã tham gia.
Thuận lợi nhất của việc làm tóc giả là đầu ra sản phẩm được Công ty Kinh doanh tóc giả tại Hà Nội đặt hàng thu mua theo tháng. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên trong Tổ khá cao, trung bình mỗi người có thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/tháng. Chị Xuân cho biết thêm: Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từng chi tiết nên phù hợp với phụ nữ. Trung bình một ngày mỗi chị em móc được một bộ tóc giả, mỗi bộ thành phẩm theo yêu cầu được mua với giá từ 28.000 đến 130.000 đồng. Môi trường làm việc thoải mái, thời gian làm việc khá linh động. Chị em nào muốn kiếm thêm thu nhập thì có thể đăng ký làm thêm ca, lương ăn theo sản phẩm. Trong hợp đồng với Công ty, các chị còn được nuôi bữa ăn trưa và được bố trí chỗ nghỉ trưa. Thời gian làm việc thì tuỳ thuộc vào hoàn cảnh từng người.
Có mặt tại nơi làm việc của các chị, điều chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất là không khí làm việc rất hăng say, vui vẻ của mọi người. Vừa tỉ mẩn làm việc, các chị vừa chuyện trò rôm rả. Họ trao đổi với nhau kiến thức nuôi dạy con cái; cách gieo cấy giống lúa mới; cách bảo quản chè sau khi chế biến… Chị Lục Thị Oanh, 42 tuổi, xóm La Mạ nói: Mỗi ngày tôi làm việc 6 tiếng. Đến đây, tôi không chỉ có thu nhập ổn định mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt của các chị em trong tổ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, chị Oanh được các chị trong tổ phong cho danh hiệu móc nhanh, móc giỏi. Hoàn cảnh gia đình của chị rất khó khăn do có ít ruộng, thóc, ngô làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Để có thêm thu nhập, chồng chị mở cửa hàng sửa chữa xe đạp nhưng thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu. Từ ngày chị tham gia Tổ móc tóc giả, chị làm việc rất chăm chỉ. Chị còn đăng ký làm thêm vào những buổi tối nên thu nhập luôn đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. Tiền thu nhập này giúp vợ chồng chị chăm lo cho 2 con đang tuổi ăn học (một cháu đang học đại học, một cháu đang học lớp 11).
Khác với chị Oanh, chị Nguyễn Thị Lan, xóm Làng Chiềng lại chỉ làm 4 tiếng/ngày. Nhà chị có hơn 1ha đất ruộng và rừng nên chị chỉ có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm thêm. Theo chị, công việc này không vất vả mà thu nhập 3 triệu đồng/tháng, cao gấp đôi so với cấy 1 sào lúa/vụ. Có thêm khoản tiền này, chị dành dụm tiết kiệm.
Thực tế cho thấy, Tổ móc tóc giả đang hoạt động rất hiệu quả. Chị Hoàng Hà Linh, Chủ tịch HộiLiên hiệp Phụ nữ xã Lâu Thượng cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn 87 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Tổ móc tóc giả đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em, hạn chế được tình trạng chị em đi làm ăn xa, lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc rất mạo hiểm. Đặc biệt, giúp người làm có nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm cuộc sống.
Từ những thành công này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâu Thượng đang tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các xã bạn để nhân rộng mô hình vì hiện nay, nhu cầu thu mua sản phẩm của Công ty Kinh doanh tóc giả tại Hà Nội vẫn còn rất lớn.