Ngành Giáo dục coi trọng nâng cao kiến thức và thực hành

11:06, 28/08/2017

Không chỉ tập trung vào khâu kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các bếp ăn cho trẻ em bậc mầm non và tiểu học, trong những năm qua, ngành Giáo dục luôn chú trọng vấn đề nâng cao kiến thức ATVSTP cho trẻ em và phụ huynh.

Toàn tỉnh hiện có trên 460 trường mầm non, tiểu học, trong đó có trên 400 bếp ăn tập thể. Đây chính là nhóm bậc học tổ chức bếp ăn tập thể lớn nhất trong toàn ngành giáo dục tỉnh Thái Nguyên và áp dụng đầy đủ bộ tiêu chuẩn về dinh dưỡng trong chăm sóc sức khỏe, thể chất cho trẻ em. Để bữa ăn đủ tiêu chuẩn về dinh dưỡng và đảm bảo ATVSTP, hàng năm vào dịp đầu năm học mới toàn ngành triển khai việc kiểm tra sức khỏe, tập huấn trang bị kiến thức cho đội ngũ cô nuôi (dinh dưỡng) về quy trình, quy phạm và các tiêu chuẩn tổ chức bếp ăn tập thể cho trẻ em. Đến hết tháng 7-2017, toàn bộ trên 1.300 cô nuôi và trên 700 người làm dịch vụ tiếp phẩm đã hoàn thành khóa tập huấn, kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố và thị xã.

Theo kế hoạch năm học mới 2017-2018, toàn ngành hiện đang tiếp tục thẩm định các hồ sơ lựa chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho cả năm học. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Với mức độ sử dụng gần 2.800 tấn gạo, trên 6.000 tấn thịt, xương, rau, củ quả/năm, chúng tôi phải lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực, trong đó phải rõ nguồn gốc, chất lượng và sức khỏe người vận chuyển thực phẩm hàng ngày. Bên cạnh đó, các trường học phải cử ra ban đại diện phụ huynh học sinh trực tiếp giám sát hàng ngày khi nhập thực phẩm, nhằm gắn trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo sức khỏe cho trẻ em. Ngành chỉ đạo ưu tiên lựa chọn các nhà vườn, vùng rau an toàn, hộ kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa phương để ký hợp đồng cung ứng”. Với cách làm này, bước đầu đã khép kín quy trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ, chế biến góp phần ngăn chặn các tiêu cực trong chuỗi sản xuất, tiêu dùng thực phẩm.

Có mặt tại tại Trường Mầm non Chợ Chu (Định Hóa) những ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới, cô giáo Lường Thị Mơ, Hiệu trưởng cho biết: “Ưu tiên của Trường cho đội ngũ tiếp phẩm, nhà thầu cung ứng thực phẩm là phụ huynh học sinh, người địa phương, có con, cháu học tại đây. Sau khi đã lựa chọn được người thì Trường hướng dẫn họ tham gia học tập kiến thức về ATVSTP, kiểm tra giám định sức khỏe, rồi xây dựng thỏa thuận khung giá thành sản phẩm theo từng thời điểm, bảo đảm tính ổn định, minh bạch. Bên cạnh đó, Trường tổ chức việc giáo dục nâng cao nhận thức về dinh dưỡng chăm sóc trẻ cho phụ huynh học sinh và nâng cao nhận thức về ATVSTP từ gia đình đến nhà trường. Điều này sẽ tạo thói quen trong sinh hoạt của các gia đình và con trẻ về việc thường xuyên quan tâm đến thực hành ATVSTP”.

Cô Mơ cho biết thêm: Nhà trường tuyên truyền bằng hình thức tổ chức ngày hội rửa tay bằng xà phòng cho cả phụ huynh, học sinh trước khi vào lớp học những ngày đầu tháng. Cách làm này có thể là hình thức, nhưng sẽ được lặp đi, lặp lại nhằm thay đổi hành vi và thói quen trong sinh hoạt của trẻ em và người lớn luôn coi trọng việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và bảo đảm ATVSTP.

Cũng bằng hình thức tuyên truyền, giáo dục về ATVSTP, ngành Giáo dục huyện Đồng Hỷ tổ chức vận động giáo viên, Hội phụ huynh học sinh trực tiếp tham gia vào trồng, chăm sóc vườn rau an toàn. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Toàn ngành Giáo dục của huyện hiện có trên 30 mô hình vườn rau an toàn được gieo trồng trực tiếp tại các trường. Đồng thời, vận động phụ huynh chăm sóc rau xanh tại gia đình và theo lịch hàng tuần thì bán lại cho bếp ăn. Tại các lớp học, trẻ em hàng ngày trước khi vào lớp học đều tự giác lấy ca nước của cá nhân đi rửa sạch rồi treo đúng vị trí, như vậy các em vừa thực hiện tự vệ sinh cá nhân, vệ sinh đồ dùng và tự điểm danh… Sự tham gia của các bậc phụ huynh vào hoạt động kiểm soát ATVSTP đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe về dinh dưỡng và nâng cao nhận thức xã hội về ATVSTP”.Có thể thấy, bên cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước của ngành giáo dục về ATVSTP, việc tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh tham gia vào hoạt động thực hành vệ sinh và trực tiếp kiểm soát đã góp phần gắn trách nhiệm xã hội vào thực hiện hiệu quả ATVSTP. Sự vào cuộc này chính là sự chung tay xây dựng môi trường giáo dục kỷ cương, tình thương và trách nhiệm.