Những nữ thầy thuốc 'thần kinh thép”

20:09, 29/08/2017

Bệnh nhân tâm thần là những đối tượng bị hạn chế về năng lực hành vi, khả năng nhận thức. Để điều trị cho đối tượng này, thì ngoài dùng thuốc, các y, bác sĩ phải sử dụng liệu pháp tâm lý và chăm sóc họ với một tình thương đặc biệt. Với trách nhiệm của người thầy thuốc, những cán bộ nữ y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên đã điều trị và chăm sóc cho hàng nghìn bệnh nhân tâm thần được bình phục, trở về với cuộc sống đời thường.

Đối mặt với nguy hiểm

Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên là bệnh viện chuyên khoa của tỉnh điều trị các bệnh tâm thần. Bệnh viện được xây dựng với quy mô 120 giường bệnh, gồm 12 khoa, phòng. Hiện, Bệnh viện có 105 cán bộ, y bác sĩ trong đó có 74 cán bộ, y bác sĩ là nữ. Có thể nói, công việc của nữ cán bộ ngành Y vốn đã vất vả và phải chịu nhiều áp lực lớn, nhưng với các nữ y, bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần lại khó khăn vất vả hơn rất nhiều.

Hơn 20 năm công tác trong Bệnh viện Tâm thần, là chừng ấy thời gian chị Hà Thị Na, sinh năm 1964, điều dưỡng Khoa Nam chứng kiến nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười của những bệnh nhân tâm thần. Đó là trường hợp bệnh nhân bị ảo tưởng, cắt phăng bộ phận sinh dục của mình ở nhà, sau khi đi cấp cứu ổn định và được đưa vào Bệnh viện Tâm thần, bệnh nhân chạy khắp khoa và đòi các y, bác sĩ phải “trả chim cho cháu” ; là trường hợp bệnh nhân hoang tưởng, chém chết mẹ ruột của mình mà lại nhầm tưởng là… chém cây chuối; nhiều trường hợp bệnh nhân tự tử, các chị phải huy động mọi người và trực tiếp cấp cứu…cứu sống bệnh nhân. Hàng ngày, chị chăm sóc, phục vụ bệnh nhân, đó là sự chăm sóc đặc biệt, với một tình thương đặc biệt bởi nhiều người không tự ăn uống, làm vệ sinh cá nhân được. Hiện, chị Na đang phụ trách chăm sóc và điều trị cho 7 người (thuộc 3 phòng), với các bệnh tâm thần phân liệt, tâm thần do nghiện ma tuý, nghiện rượu… Đáp lại sự chăm sóc ấy, nhiều khi vì bệnh tật, người bệnh lại chửi mắng chị rất thậm tệ, thậm chí lôi cả gia đình, họ hàng chồng con chị ra chửi. Nhưng càng làm lâu, chị càng hiểu nghề, bỏ qua và thông cảm với bệnh nhân...

Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Trưởng khoa Nam cho biết: Việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tâm thần đối với chị em cũng có những khó khăn nhất định. Những năm gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh tâm thần do nghiện ma tuý, nghiện rượu, nghiện game tăng lên và ngày càng trẻ hoá nên bệnh nhân dễ  bị kích động, có những hành vi hung hãn, có thể tấn công y, bác sĩ bất cứ lúc nào. Cách đây 2 năm, có bệnh nhân tâm thần do nghiện ma tuý, bị kích động đã ném đá, ném ghế liên tục vào phòng làm việc của y, bác sĩ, cũng may không để lại hậu quả. Hay mới đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân gần 20 tuổi, (xã Hoàng Nông, Đại Từ), do nghiện game, người nhà thấy có dấu hiệu tâm thần, vừa đưa vào viện được khoảng 3 ngày, bệnh nhân đòi trốn không điều trị, các y, bác sĩ ngăn cản thì bị cậu ta cầm dao kề cổ... Không còn cách nào khác, điều dưỡng khoa đành để cho bệnh nhân đi và thông báo cho gia đình để có sự phối hợp kịp thời.

Cũng theo chị Định, nữ cán bộ y, bác sĩ bị bệnh nhân mắng chửi, thậm chí bị đánh là chuyện thường tình. Mặt khác, quá trình điều trị, các y, bác sĩ phải tiếp xúc với bệnh nhân mắc các bệnh về lao, phổi, HIV AIDS, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu không biết cách xử trí, không kiên trì, bản lĩnh nghề nghiệp và một tình thương cao cả thì các nữ y, bác sĩ khó có thể vững vàng công tác tại đây. Theo chị Định, với bệnh nhân tâm thần, việc sử dụng liệu pháp tâm lý là yếu tố quan trọng nhất để giúp họ sớm hồi phục. Tức là bằng nghiệp vụ chuyên môn, các y, bác sĩ phải tìm hiểu những cảm xúc dồn nén, nguyên nhân gây bệnh, để từ đó chia sẻ, đồng hành cùng bệnh nhân.

Phải có tâm mới làm được nghề

Chị Bùi Tuyết Hương, Trưởng Khoa Điều dưỡng cho hay: Bình thường trông họ rất hiền, nhưng khi họ lên cơn thì nhìn sợ lắm. Ghế đá, giường bệnh họ lôi ra đập phá. Nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng bị gia đình bỏ rơi, phó mặc cho sự chăm sóc của bệnh viện. Vì vậy, cán bộ y, bác sĩ lo từ bữa ăn đến giấc ngủ. Nhiều khi, các chị phải bỏ tiền túi mua thức ăn, mua quần áo cho họ mặc; xúc từng thìa cơm, thìa cháo, tắm rửa, cắt tóc, gấp quần áo, chăn màn cho họ; giúp bệnh nhân lao động liệu pháp, phục hồi chức năng…

Công việc khó khăn vất vả là vậy nhưng không vì lẽ đó mà tinh thần thái độ phục vụ người bệnh giảm đi. Ngược lại, với một “tinh thần thép” cái tâm, tình yêu nghề, đã giúp cho các y, bác sĩ ở đây đồng cảm với bệnh nhân, tinh thần phục vụ thêm tận tình hơn. Ngoài vai trò của một bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, họ còn phải đóng vai trò như một người thân của bệnh nhân. Với bệnh lý tâm thần tự phát, thứ phát tuy có nhiều diễn biến bất thường nhưng bệnh nhân dễ trở lại trạng thái bình thường. Còn với bệnh lý tâm thần do di truyền thì hầu như bệnh nhân lúc nào cũng nửa tỉnh nửa mê. Qua những câu chuyện, cử chỉ hay lời thăm hỏi thân tình của các nữ y, bác sĩ với bệnh nhân, chúng tôi mới thấm thía hết câu nói của Bác Hồ đã tặng cho ngành Y tế: “Lương y như từ mẫu”.

Ngoài 8 giờ làm việc bình thường, các chị còn phải trực các ngày lễ, Tết để đảm bảo cho người bệnh luôn được chăm sóc, điều trị chu đáo. Không chỉ đảm bảo công việc chuyên môn tập thể cán bộ nữ của Bệnh viện Tâm thần vẫn làm tốt các thiên chức riêng của người Phụ nữ Việt Nam với vai trò người nội trợ chính trong gia đình và nuôi dạy con học giỏi, thành đạt. Khó có thể kể hết những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các chị trong việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Và đằng sau cánh cửa bệnh viện còn vô số câu chuyện giữa y, bác sĩ và những bệnh nhân tâm thần. Dù câu chuyện có vui, có buồn nhưng hiện diện nơi đó là tất cả tình thương, cái tâm, cái tình sâu đậm của người thầy thuốc dành cho người bệnh. Với lòng tin yêu sâu sắc, sự nhiệt tâm, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế Bệnh viện Tâm thần Thái Nguyên, hy vọng rằng đây sẽ luôn là mái ấm tình thương cho những bệnh nhân tâm thần.