Sáng 3/8, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu rõ, ở nước ta, hương ước, quy ước có từ thế kỷ 15; được các chế độ phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp duy trì để quản lý làng, xã và có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Đây là những quy phạm xã hội chứa đựng các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, tự nguyện xây dựng để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần duy trì trật tự trong cộng đồng dân cư.
Theo ông Đỗ Xuân Lân, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; tạo khung khổ pháp lý khá toàn diện điều chỉnh vấn đề này. Đến nay, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã đi vào ổn định và triển khai rộng khắp trên cả nước. Trong số hơn 125.000 thôn, làng được rà soát, có trên 109.000 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 87,7%); có gần 6.700 bản hương ước, quy ước đang trong quá trình phê duyệt và hơn 3.200 bản hương ước, quy ước đang xây dựng.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Quyết định; mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiều nội dung trong dự thảo Quyết định. Các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Quyết định sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước; phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái đồng thời giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước. Cụ thể, nội dung của nhiều bản hương ước, quy ước còn rập khuôn, máy móc, thiếu đặc thù, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, hạn chế quyền con người, quyền công dân. Việc soạn thảo, thông qua, phê duyệt hương ước, quy ước ở một số nơi chưa đúng trình tự, thủ tục, không đảm bảo dân chủ, tự nguyện. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước chưa thường xuyên, kịp thời. Việc thực hiện ở một số địa phương chưa thực sự nghiêm túc; nhiều hương ước, quy ước được xây dựng mang tính phong trào, sau khi được xây dựng và phê duyệt không đi vào cuộc sống… Theo các đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên nhưng nguyên nhân chủ yếu do pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa hoàn thiện, còn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc điều chỉnh chưa toàn diện.
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Phó Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) nhấn mạnh, hương ước, quy ước điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc phạm vi tự quản tại cộng đồng vì thế phải đơn giản, dễ hiểu để người dân dễ thông qua và thực hiện. Tuy nhiên, thủ tục xây dựng, sửa đổi hương ước, quy ước như trong dự thảo Quyết định lại quá phức tạp, mang nặng tính hành chính giống như quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt…
Đồng tình với quan điểm này, ông Thiều Nhật Tình, Tổ trưởng Tổ dân phố số 17, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: Hương ước, quy ước là những quy định mà cộng đồng dân cư thống nhất đưa ra để cùng thực hiện nhưng nếu chiếu theo dự thảo Quyết định thì quá nặng nề, khiến người dân khó thực hiện và áp dụng. Bên cạnh đó, hương ước, quy ước vốn được xem là “lệ làng” góp phần nâng cao đời sống văn hóa nhưng nên cần đẩy mạnh yếu tố văn hoá trong các quy định của dự thảo Quyết định theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư./.