Mặc dù chưa bùng phát thành ổ dịch, nhưng hiện nay số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn T.P Thái Nguyên đang ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, trái ngược với ngành chức năng đang rốt ráo vào cuộc phòng, chống dịch bệnh, thì nhiều người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan với loại bệnh nguy hiểm này.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên, tính từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã có 25 ca mắc sốt xuất huyết, (không có ca tử vong). Trong đó, phường Phú Xá mắc 5 ca; phường: Quang Trung, Trung Thành, Hoàng Văn Thụ (mỗi phường mắc 3 ca); phường: Tích Lương, Gia Sàng, Đồng Quang (mỗi phường mắc 2 ca); phường: Phan Đình Phùng, Tân Lập, Phúc Xuân, Trưng Vương, Tân Thành (mỗi phường có 1 ca mắc). Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, T.P Thái Nguyên cũng là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với các huyện, thị, thành của tỉnh.
Bà Phan Bích Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên cho biết: Trong các trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn T.P Thái Nguyên thời gian gần đây thì có tới 23 trường hợp mắc bệnh ngoại lai (do đi chơi, đi công tác, hoặc làm việc tại Hà Nội) khi về mang theo mầm bệnh, chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh tại địa phương. Đơn cử như trường hợp bà Nguyễn Thị Hiền, 61 tuổi thường trú tại tổ 20, phường Phú Xá đi trông cháu ở Hà Nội về thì 3 ngày sau bị sốt cao, gia đình nghi sốt vi rút nên điều trị tại nhà, bằng cách uống thuốc hạ sốt liên tục nhưng không thấy đỡ, sau đó gia đình đưa đi khám tại Trung tâm Y tế thành phố và được chẩn đoán bị sốt xuất huyết. Sau hơn 10 ngày điều trị, bà Hiền khỏi bệnh và được xuất viện. Hay Trường hợp bà Trần Thị Định, ở tổ 23, phường Phú Xá, xuống Hà Nội thăm cháu, khi về bị sốt cao, người mệt mỏi, xuất hiện các vết mẩn đỏ trên người, bà đã vào Bệnh viện Gang thép điều trị thì được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi truyền. Hiện nay ở một số tỉnh, thành trên cả nước đã xuất hiện dịch bệnh. Cách tỉnh Thái Nguyên không xa, một số khu vực trên địa bàn T.P Hà Nội cũng đang xuất hiện một số ổ dịch. Mới đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện về việc “Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết”, và hiện nay các ngành chức năng đang vào cuộc. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian gần đây Trung tâm Y tế T.P Thái Nguyên rốt ráo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết; cử Đội cơ động chống dịch của Trung tâm tổ chức phun thuốc diệt muỗi, phun thuốc khử khuẩn môi trường trong bán kính 200 mét tại những tổ dân phố nơi có ca bệnh nhiễm; chỉ đạo trạm y tế 27 xã, phường tham mưu cho UBND các xã, phường chỉ đạo và triển khai kế hoạch chống dịch bệnh cho toàn bộ các tổ dân phố thực hiện chiến dịch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn phường. Hằng tuần cán bộ phụ trách chương trình tại Trung tâm Y tế thành phố thực hiện cập nhật các ca bệnh, theo dõi, kiểm tra, giám sát các hoạt động của xã, phường để định hướng cho công tác phòng chống dịch và phun hóa chất diệt muỗi theo quy định… Ngược lại, nhiều người dân vẫn còn thờ ơ, chủ quan với loại dịch, bệnh này.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở nhiều khu dân cư hiện nay người dân chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vẫn để cỏ dại mọc um tùm quanh nhà, nước thải vẫn đọng ở cỗng rãnh, ao tù... Mới đây khi theo Đội cơ động chống dịch phun thuốc diệt muỗi, phun thuốc khử khuẩn môi trường tại các điểm có ca bệnh trực tiếp tại tổ 5, phường Tân lập và tổ 25 của phường Phú Xá, chúng tôi thấy mặc dù khu vực này có người bệnh nhưng một số hộ dân xung quanh vẫn để các vật dụng lưu trữ nước như: chum, vại, tạo điều kiện cho loăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển. Cũng theo phản ánh của một cán bộ Trung tâm Y tế thành phố, vẫn còn tình trạng người bệnh khi mắc bệnh không báo với cơ quan chuyên môn mà tự điều trị tại nhà gây khó khăn cho việc quản lý bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Tiên Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phú Xá chia sẻ: Số nhân khẩu của phường đông, nhiều người vãng lai, cộng thêm khi họ đến vùng dịch trở về địa phương không thông báo nên khó kiểm soát tình hình bệnh, chỉ khi họ mắc bệnh rồi, cán bộ của Trạm khám thì mới biết bệnh nhân mắc bệnh.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, hiện nay đang là mùa mưa, mùa dễ bùng phát bệnh sốt xuất huyết, người dân nên đề phòng. Cách phòng bệnh tốt nhất đó là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Nhằm tránh những biến chứng và hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh gây nên, người dân cũng thường xuyên theo dõi tình trạng cơ thể của mình, khi có triệu chứng sốt cao 39 độ C đến 40 độ C kéo dài từ 2 ngày đến 7 ngày, đầu nhức, người nhức, chân tay nhức mỏi nên đi khám ngay ở các cơ sở y tế để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.