Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn T.P Thái Nguyên có thói quen mua, sử dụng các loại thức ăn bày bán trên đường phố bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hầu hết các loại thức ăn này đều không đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các loại dịch bệnh.
Vào buổi chiều, dạo một vòng quanh các tuyến đường gần trường học, chợ, ký túc xá sinh viên như: chợ Đồng Quang, Túc Duyên, chợ Thái, chợ Sinh viên... dễ dàng bắt gặp những hàng, quán kinh doanh đồ ăn sẵn. Các quán này bày bán la liệt đủ các loại thức ăn ngay trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường, không có thiết bị che đậy, bảo quản. Anh Lê Thành Trung, ở tổ 2, phường Trưng Vương cho biết: Tôi thường ra đường Bến Oánh mua lòng luộc sẵn về để ăn bữa tối. Mặc dù thấy không có thiết bị che đậy nhưng nhìn món lòng hấp dẫn, trắng tinh, tôi vẫn mua. Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt, ở tổ 9, phường Hoàng Văn Thụ thì cho biết: 2 vợ tôi chồng đều làm ở doanh nghiệp tư nhân, công việc bận rộn tối ngày chẳng có thời gian đi chợ. Tôi thường mua thịt vịt quay, lợn quay hay thịt chó đã chế biến sẵn. Tôi thấy giá cũng rẻ mà lại tiện lợi.
Theo quan sát của chúng tôi, thức ăn nhanh bày bán trên đường phố, vỉa hè không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi, nguyên liệu thực phẩm đầu vào trong quá trình chế biến thức ăn chưa có cơ sở nào kiểm chứng về nguồn gốc, xuất xứ. Thức ăn chín được bày cạnh với thức ăn sống, không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, thức ăn bày bán ở lề đường, vỉa hè còn chịu tác động trực tiếp bởi thời tiết cũng như những yếu tố ô nhiễm khác từ môi trường gây nhiễm khuẩn, ôi thiu… do đó nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất lớn. Thêm vào đó, hiện nay, hầu hết các cửa hàng bán thức ăn nhanh đều đựng thức ăn bằng hộp nhựa, hộp xốp, không đảm bảo an toàn. Bởi, hộp xốp có thành phần là nhựa PS, khi đựng đồ nóng, hàm lượng độc chất monostyren sinh ra gây tổn hại đến gan cũng như nhiều bệnh khác. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân không nên dùng hộp xốp chứa các loại thức ăn, đồ uống đang nóng, thức ăn có nhiều mỡ, dầu ăn, nước sôi và các đồ chua như dưa chua, cà muối, nước chanh… Loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít... sẽ gây độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo ông Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm: Tác nhân gây mất an toàn thực phẩm thường là vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia chế biến thức ăn, dụng cụ sơ chế, dụng cụ chế biến, nơi kinh doanh bị ô nhiễm bởi ruồi, bụi bẩn, côn trùng. Ngoài ra, cũng do hoạt động vận chuyển, bảo quản thức ăn không vệ sinh và do bàn tay của người chế biến gây ô nhiễm thức ăn. Tuy nhiên, người dân lại chưa có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này, họ chỉ thấy tiện lợi cho sinh hoạt mua bán, mà không thấy nguy cơ rất cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc thậm chí có người dù biết nhưng vẫn nhắm mắt cho qua để sử dụng thức ăn nhanh đường phố. Vì vậy, để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho thức ăn đường phố, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng, việc quan trọng nhất là nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cũng cần nên tự trang bị cho mình và người thân những kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, nói không với những quán ăn đường phố không đảm bảo các điều kiện vệ sinh.